10:03, 08/03/2019

Thêm nhiều người sập bẫy mua hàng qua mạng

Sau khi Báo Khánh Hòa thông tin về trường hợp chị Bùi Thị Thúy (trú huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) bị lừa tiền khi mua hàng online, chỉ trong ít ngày qua, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin nhiều vụ việc bị lừa với thủ đoạn tương tự…

Sau khi Báo Khánh Hòa thông tin về trường hợp chị Bùi Thị Thúy (trú huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) bị lừa tiền khi mua hàng online, chỉ trong ít ngày qua, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin nhiều vụ việc bị lừa với thủ đoạn tương tự…

 

Điển hình là trường hợp của chị Bùi Thị S. (trú phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh). Theo đó, sau thời gian chị S. nghỉ sinh đã mở cửa hàng bán quần áo trên mạng (online) để có thêm thu nhập cho gia đình. “Sau thời gian vào fanpage nhatrangclub, tôi thấy trang cá nhân có tên Si Tuyển chào bán quần áo. So với những người bán hàng khác thì Si Tuyển bán đồ giá cạnh tranh nên tôi quyết định đặt đơn hàng có tổng giá trị gần 2 triệu đồng”, chị S. cho biết.


Cũng như các giao dịch trước đó, chị S. đã tới bưu điện địa phương chuyển tiền cho người phụ nữ có trang facebook cá nhân là Si Tuyển. Tuy vậy, người nhận tiền lại là người có tên Nguyễn Vũ Hoàng mà Si Tuyển tự cho là chồng của cô này. Sau ít ngày chuyển tiền, chị S. đã không khỏi ngỡ ngàng khi cả gần chục bộ quần áo được Si Tuyển hứa hẹn là hàng mới 100% và model lại chỉ là một đống quần áo cũ, nhàu nhĩ. Quá bực tức, chị S. lập tức gọi điện cho Si Tuyển và yêu cầu đổi hàng nhưng chỉ nhận lại những lời hứa hẹn. “Đống đồ cũ nát này chỉ có thể làm giẻ lau chứ buôn bán gì. Sau vài cuộc điện thoại, Si Tuyển - tức người phụ nữ có tên V.Y đã chặn luôn số điện thoại của tôi. Hiện tôi đã gửi đơn đến cơ quan công an để làm rõ đối tượng này xử lý theo quy định”, chị S. cho biết thêm.

 

Đơn tố cáo của chị S. gửi tới cơ quan công an.

Đơn tố cáo của chị S. gửi tới cơ quan công an.

 

Ngoài việc lừa bán quần áo trên mạng, bạn đọc còn cung cấp thêm về việc trang facebook cá nhân có tên Si Tuyển còn lừa bán hoa với thủ đoạn tương tự, như trường hợp của chị Nh. ở Nha Trang. Tìm hiểu được biết, nhiều nạn nhân đã quá dễ dàng bị sập bẫy trước thủ đoạn lừa đảo trên mạng. Chẳng hạn, V.Y đã cố tình thông tin sai địa chỉ nơi trú cũng như cửa hàng của mình ở trên đường “Phong Khê”, TP. Nha Trang nhưng nhiều người vẫn không hề nghi ngờ.


Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Trang - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết, hiện tại, tình trạng lừa đảo trên mạng như Báo Khánh Hòa thông tin là rất nhiều. Từ số điện thoại nạn nhân cung cấp về các đối tượng, đơn vị đã tiến xác minh nhưng mỗi lần gọi điện thì các đối tượng hoặc không nghe máy hoặc tắt máy ngay. “Trong trường hợp của chị Thủy ở Hải Phòng bị lừa chúng tôi cũng đã nhận được tin báo. Tiến hành xác minh, chúng tôi nhận thấy chỉ có thông tin của người tự xưng là chồng của người bán hàng, không có số điện thoại của người bán hàng trực tiếp. Ngoài ra, người ta còn cho địa chỉ người bán hàng ở đường Phong Khê, TP. Nha Trang thì địa phương không có con đường đó. Đây là thủ đoạn gian dối của những đối tượng bán hàng qua mạng”, bà Trang cho biết thêm.


Trước những giao dịch qua mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh khuyến cáo, trước hết người dân cần tự bảo vệ mình; tiếp đến, trước khi đưa ra quyết định mua hàng qua mạng, người tiêu dùng cần tìm hiểu xem đó có phải là địa chỉ uy tín hay không. “Thường thì các đối tượng sau khi nhận được tiền là cắt liên lạc với nạn nhân. Sau đó, để liên lạc đòi lại tiền, thì nạn nhân không thể liên lạc được vì các đối tượng dùng sim rác, hoặc thay đổi sim số khác. Chúng tôi đã tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cho người tiêu dùng để họ cảnh giác, nhiều khi người tiêu dùng chưa biết người bán thế nào nhưng đã chuyển tiền để mua hàng thì không nên”, bà Nguyễn Thị Trang khuyến cáo.


Thành Long