09:05, 18/05/2020

Doanh nghiệp nỗ lực thích nghi với dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế thế giới, khiến cho thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh Khánh Hòa phải tìm cách thích ứng với tình hình này.

 

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế thế giới, khiến cho thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong tỉnh Khánh Hòa phải tìm cách thích ứng với tình hình này.


Các chỉ số đều giảm


Theo lãnh đạo Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh đạt gần 480 triệu USD, giảm 5,25% so với cùng kỳ năm trước và đạt 31,37% so với kế hoạch năm. Các DN chuyên về cà phê, thủy sản, thuốc lá đều có lượng hàng xuất khẩu giảm. Trong đó, hàng thủy sản ước xuất được hơn 20.000 tấn các loại, trị giá 146,02 triệu USD, giảm 23,61%; sản phẩm mây tre lá ước đạt 670 ngàn USD, giảm 12,12%; thuốc lá điếu và nguyên liệu ước xuất được 11,65 triệu USD, giảm 11,63%; cà phê ước đạt 25.070 tấn, trị giá 37,75 triệu USD, giảm 6,95%. Đối với mặt hàng tàu biển xuất khẩu, tính riêng trong tháng 4 cũng giảm 1 chiếc so với tháng 3 (giảm 31,965 triệu USD).

 

Sản phẩm thủy sản xuất khẩu đang giảm mạnh.

Sản phẩm thủy sản xuất khẩu đang giảm mạnh.


Nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ hàng hóa của các nước nhập khẩu bị chậm lại. Tại cảng cửa khẩu của các nước nhập hàng, việc thực hiện nghiêm ngặt về thủ tục kiểm tra y tế cũng khiến tốc độ nhập hàng bị chậm. Trong khi đó, nhân lực thông quan ở các cửa khẩu trong nước bị thiếu, khiến hàng hóa của DN Khánh Hòa bị kéo dài thời gian thông quan. Bên cạnh đó, 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng chỉ đạt hơn 230 triệu USD, giảm 8,43% so với cùng kỳ. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu mà DN đã ký với đối tác.


Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, xu hướng chính của các đối tác là giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này hai bên đã đàm phán cho các đơn hàng cuối năm). Không những vậy, nguyên liệu đầu vào cũng thiếu do hoạt động nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, khiến các mặt hàng như dệt may, đồ gỗ… đang hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19, đặc biệt là các DN có hàng xuất đi hai thị trường xuất khẩu chủ lực là EU và Mỹ.


Thay đổi để phát triển


Với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều DN đã chủ động đưa ra giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực như: Áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh… Điển hình như Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đã tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu, chuyển sang sản xuất khẩu trang. Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết: “Chúng tôi đã huy động hết công suất để sản xuất khẩu trang đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, việc chuyển hướng sản xuất chỉ là kế hoạch ngắn hạn nhằm bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng và tạo việc làm để giữ chân người lao động. Trong dài hạn, công ty đang tích cực tìm thêm đối tác, thị trường mới để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”.


Một số DN khác lại chủ động thay đổi phương pháp làm việc với khách hàng; tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc qua môi trường công nghệ số nhằm tiết giảm thời gian, chi phí di chuyển. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng tiêu thụ thị trường nội địa, tạo nên các sản phẩm mới phục vụ người tiêu dùng. Theo ông Lương Thế Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang, hiện nay, công ty áp dụng làm việc online, đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, đa dạng hóa các sản phẩm. Mới đây, DN đã cho ra mắt sản phẩm cà phê pha phin giấy để phục vụ cộng đồng.


Với những giải pháp tích cực, nhanh nhạy, chủ động ứng phó tình hình mới, nhiều DN đã ổn định sản xuất, đảm bảo được sự tăng trưởng. Tuy nhiên, với dịch bệnh mang tính toàn cầu, chưa biết khi nào chấm dứt, cơ quan chức năng lưu ý các DN cần tiếp tục tìm cách chuyển đổi mô hình hoạt động; nâng cao khả năng thích ứng nhằm đảm bảo sản xuất, xuất khẩu một cách xuyên suốt và hiệu quả. Ông Phan Thanh Liêm - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh khuyến cáo: “Tình hình kinh tế thế giới sẽ có nhiều diễn biến bất thường, do đó, các DN cần chủ động tìm kiếm khách hàng mới, tìm cách vượt qua khó khăn; tham gia các khóa đào tạo để nâng cao năng lực quản lý, điều hành DN, đánh giá được các rủi ro thách thức; nâng cao chất lượng phục vụ”. Bên cạnh đó, các DN cần nắm bắt các chính sách của Nhà nước để tiếp cận sự hỗ trợ; chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra và đầu vào mới. Đặc biệt, cần có sự phối hợp với các DN cùng ngành để tạo ra chuỗi giá trị tương hỗ. Song song đó, mỗi DN cần đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất và giảm chi phí, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào để có thể đáp ứng nhanh các thị trường, khi dịch bệnh dần được kiểm soát.


Đình Lâm