10:02, 05/02/2020

Một nông dân điển hình tiên tiến ở Khánh Sơn

Sau hơn 10 năm nỗ lực vượt khó, gia đình ông Mai Văn Khang (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn chung tay, góp sức giúp người dân trong xóm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

 

Sau hơn 10 năm nỗ lực vượt khó, gia đình ông Mai Văn Khang (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn chung tay, góp sức giúp người dân trong xóm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.


Vượt khó


Năm 2007, ông Mai Văn Khang rời quê hương Nam Định đến với vùng núi còn khá heo hút ở thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn lập nghiệp. Bao nhiêu vốn liếng mang theo, ông đầu tư mua 2,2ha đất rẫy, rồi cần mẫn gieo bắp, mì để giải quyết nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh vỡ đất, cải tạo vườn đồi, chăm bón cho cây bắp, cây mì tốt tươi, ông luôn trăn trở phải làm sao để lấy ngắn nuôi dài, từng bước chuyển đổi sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn.

 

Nông dân Mai Văn Khang  bên vườn sầu riêng của gia đình.

Nông dân Mai Văn Khang bên vườn sầu riêng của gia đình.


Sau thời gian nghiên cứu, ông quyết định đầu tư trồng cà phê, tiêu và sầu riêng. Đó là giai đoạn nhiều khó khăn khi trình độ, kỹ thuật trồng cây lâu năm, cây ăn quả còn hạn chế, đời sống kinh tế còn thiếu trước hụt sau. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó, gia đình ông dần dần đủ ăn, đủ mặc. Cây cà phê thời điểm này được giá, được mùa, tiền lời từ cà phê, ông dồn hết vào mua rẫy, mở rộng diện tích sản xuất. Đến năm 2015, nhận thấy hiệu quả của cây cà phê, sầu riêng, ông mạnh dạn vay mượn vốn từ anh em, bạn bè, vốn tích lũy của gia đình, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng diện tích trồng cà phê, sầu riêng lên 10,5ha.


Theo ông Khang, nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nông dân khác và thường xuyên được Hội Nông dân huyện, xã mời tham dự các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất, sản lượng cây trồng của gia đình ông không ngừng tăng qua từng năm. Đến năm 2017, khi diện tích sầu riêng đã lớn và cho thu hoạch ổn định, gia đình ông đã thay thế dần cây cà phê chuyển sang cây sầu riêng. Đến nay, gia đình ông đã trồng được hơn 1.800 cây sầu riêng trên diện tích 10,5ha, trong đó năm 2018 đã có khoảng 260 cây sầu riêng cho thu hoạch với tổng sản lượng hơn 50 tấn, trị giá 2,4 tỷ đồng, trừ chi phí gia đình ông còn lợi nhuận hơn 1,6 tỷ đồng. Năm 2019, gia đình ông có 450 cây sầu riêng cho thu hoạch, sản lượng khoảng 80 tấn.


Đoàn kết để phát triển bền vững


Được biết, gia đình ông Khang tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và hàng chục lao động mùa vụ tại địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Sơn Lâm, từ năm 2015 đến nay, ông Khang luôn quan tâm giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn xã về cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trị giá hàng chục triệu đồng. Năm 2018, ông đã giúp đỡ 6 hộ nông dân nghèo trên địa bàn xã về cây giống sầu riêng, cà phê, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trị giá 20 triệu đồng. Đến nay, cây trồng của những hộ gia đình này phát triển tốt, nhiều hộ được giúp từ năm 2015 đã có thu hoạch, bước đầu ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.


Bà Trần Thị Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm cho biết, những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều hộ nông dân đã tập hợp, hình thành tổ liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Trong đó, Tổ hội nghề nghiệp trồng cây sầu riêng thôn Cam Khánh do ông Mai Văn Khang làm tổ trưởng từng bước mang về hiệu quả kinh tế cao hơn cho các thành viên.


Với những thành tích đạt được trong sản xuất kinh doanh, những năm qua, ông Khang đã được Hội Nông dân, chính quyền các cấp tặng nhiều giấy khen. Năm 2019, ông là 1 trong 2 nông dân được UBND tỉnh tặng bằng khen là nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.


Hồng Đăng