09:12, 27/12/2018

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Tại hội thảo về công nghiệp hỗ trợ vừa được Sở Công Thương và Hội Cơ khí tỉnh tổ chức, đa phần các đại biểu đều nhận định, công nghiệp hỗ trợ tại Khánh Hòa phát triển chưa xứng với tiềm năng. So với các tỉnh trong khu vực, ngành công nghiệp này đang có dấu hiệu chững lại.

Tại hội thảo về công nghiệp (CN) hỗ trợ vừa được Sở Công Thương và Hội Cơ khí tỉnh tổ chức, đa phần các đại biểu đều nhận định, CN hỗ trợ tại Khánh Hòa phát triển chưa xứng với tiềm năng. So với các tỉnh trong khu vực, ngành CN này đang có dấu hiệu chững lại.


Phát triển chậm


Hiện nay, cả tỉnh có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CN hỗ trợ, tập trung chính tại các ngành: dệt may, cơ khí, CN điện, điện tử. Tổng giá trị sản xuất của ngành CN hỗ trợ ở Khánh Hòa chỉ chiếm 4,4% tổng giá trị sản xuất CN toàn tỉnh; hàng năm đóng góp ngân sách khoảng 35 tỷ đồng. Tổng số lao động ngành CN hỗ trợ sử dụng chiếm khoảng 9,5% lao động ngành CN. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang gặp khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, nguồn lực hạn chế… nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất ngày một tăng cao, khả năng cạnh tranh thấp. Đặc biệt, hiện nay, sản xuất CN đang bước vào thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi tỷ lệ tự động hóa rất cao.

 

Sản phẩm của Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang.

Sản phẩm của Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang.


Trong đó, CN hỗ trợ ở ngành dệt may chỉ chủ yếu sản xuất dây khóa kéo, chỉ may, nút, sợi, vải dệt thoi, sản xuất thuộc da. Giá trị sản xuất CN của ngành dệt đạt mức tăng trưởng bình quân 2,77%/năm; sản xuất da đạt 2,55%/năm. Ngành CN điện, điện tử chỉ có 4 doanh nghiệp hoạt động tập trung vào lĩnh vực điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin, viễn thông nhưng quy mô nhỏ.


Ngành phát triển nhất của CN hỗ trợ hiện nay là ngành cơ khí. Tuy nhiên, ngành này chỉ hỗ trợ CN đóng tàu và tham gia chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Đối với cơ khí chế tạo máy, tuy đã có những bước tiến dài nhưng điểm sáng duy nhất vẫn là Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang. Các doanh nghiệp còn lại vẫn phát triển chậm. Nhiều doanh nghiệp còn sử dụng thiết bị, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, chất lượng và mẫu mã sản phẩm chưa cao, đơn điệu.


Ông Nguyễn Văn Chánh - Chủ tịch Hội Cơ khí Khánh Hòa (nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp) đánh giá: “CN hỗ trợ của tỉnh hiện nay phát triển rất yếu, không xứng với tiềm năng. Trước đây, ở khu vực miền Trung, CN Khánh Hòa phát triển rất mạnh và góp phần chính vào thu ngân sách. Nhưng thời gian gần đây, chúng ta đã để CN các tỉnh lân cận vượt mặt. So với Đà Nẵng, Quảng Nam chúng ta thua rất nhiều, sắp tới Quảng Ngãi cũng sẽ vượt chúng ta. Tại sao chúng ta có một nền tảng rất tốt nhưng hiện nay, CN nói chung và CN hỗ trợ nói riêng lại chậm phát triển như vậy? Cần phải có những định hướng đúng đắn và phù hợp để CN hỗ trợ phát triển tương xứng với tiềm năng”.



Cần bước đột phá  

   
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân khiến CN hỗ trợ Khánh Hòa chưa thực sự phát triển là do thời gian qua, các dự án phát triển CN có quy mô lớn, có tính động lực tại địa phương triển khai còn chậm nên chưa tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Khánh Hòa cũng chưa xây dựng được các mô hình khu CN thành công mang tính điển hình đang phát triển mạnh mẽ như ở các tỉnh: Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Nghệ An... để tạo sức hút đối với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CN hỗ trợ đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hạn chế về vốn. Chính điều này đã dẫn đến khó có thể du nhập và ứng dụng công nghệ cao cũng như đổi mới máy móc tiên tiến, hiện đại. Trình độ quản lý doanh nghiệp còn yếu, tính liên kết chưa cao. Các chính sách khuyến khích phát triển CN hỗ trợ hiện nay cũng chủ yếu tập trung vào chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, nhân lực nên chưa thực sự phát huy hiệu quả, tạo đột phá cho CN hỗ trợ địa phương phát triển. Công tác giải phóng mặt bằng và phát triển hạ tầng dành cho phát triển CN còn chậm đã ảnh hưởng nhiều đến CN hỗ trợ.


Ngoài ra, vấn đề nguồn nhân lực phục vụ cho CN hỗ trợ cũng là rào cản rất lớn, ảnh hưởng đến việc phát triển ngành CN này. Lực lượng lao động có trình độ, làm chủ được công nghệ tiên tiến rất hạn chế. Đồng thời, các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xây dựng phát triển mạnh thời gian gần đây đã thu hút rất nhiều lao động của ngành CN chuyển sang làm việc khác khiến ngành CN hỗ trợ đã khó về nhân lực lại càng khó khăn hơn.


Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Để CN hỗ trợ phát triển tương xứng với tiềm năng, thời gian tới, các vấn đề về thu hút đầu tư, thay đổi tư duy quản lý, vốn được xác định là giải pháp chính để phát triển ngành CN này. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường cũng được xem là động lực cơ bản cho CN hỗ trợ”. Theo ông Ngoạn, khi các khu CN, cụm CN mới của tỉnh hoàn thành cơ sở hạ tầng, khả năng kêu gọi đầu tư sẽ tốt hơn và CN hỗ trợ sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, để ngành này phát triển, ngoài các giải pháp và hỗ trợ từ phía chính quyền, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự thân vận động, chủ động trong việc thay đổi công nghệ và thiết bị để bắt kịp xu thế của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tính chủ động, tự thân của mỗi doanh nghiệp càng phải đặt lên hàng đầu. Đây chính là động lực chính để CN hỗ trợ phát triển và liên quan đến sự sự tồn vong của từng doanh nghiệp.


Đình Lâm