03:01, 03/01/2018

In kim loại là phương thức giá rẻ để chế tạo thiết bị điện tử dẻo

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học North Carolina đã phát triển một kỹ thuật mới in trực tiếp mạch kim loại để tạo ra các thiết bị điện tử dẻo. Kỹ thuật này sử dụng nhiều kim loại và chất nền, có sự tương thích với các hệ thống chế tạo hiện áp dụng công nghệ in trực tiếp.

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học North Carolina đã phát triển một kỹ thuật mới in trực tiếp mạch kim loại để tạo ra các thiết bị điện tử dẻo. Kỹ thuật này sử dụng nhiều kim loại và chất nền, có sự tương thích với các hệ thống chế tạo hiện áp dụng công nghệ in trực tiếp.

 


PGS. Jingyan Dong, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Thiết bị điện tử dẻo có triển vọng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, nhưng chi phí sản xuất lớn gây khó khăn cho việc chế tạo thiết bị vì mục đích thương mại. Cách tiếp cận của chúng tôi sẽ làm giảm chi phí và cung cấp một phương thức hiệu quả để sản xuất mạch với độ phân giải cao để có thể tích hợp vào trong các thiết bị thương mại".

Kỹ thuật này sử dụng công nghệ in điện thủy động lực hiện có, đã được sử dụng trong nhiều quy trình chế tạo dùng mực in chuyên dụng. Để thay thế, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hợp kim kim loại nóng chảy ở mức nhiệt dưới 60 độ C. Sau đó, các nhà khoa học đã chứng minh kỹ thuật sử dụng 3 hợp kim khác nhau, in trên 4 chất nền bao gồm: kính, giấy và hai polyme co giãn.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm khả năng phục hồi của các mạch trên chất nền polyme và phát hiện thấy độ dẫn điện của mạch không bị ảnh hưởng ngay cả sau khi bị uốn cong 1.000 lần. Mạch điện vẫn ổn định điện tử thậm chí khi kéo căng đến 70% lực kéo. Bên cạnh đó, các mạch còn có khả năng "tự phục hồi" nếu chúng bị gẫy hoặc uốn cong quá mức.

PGS. Dong cho rằng: "Vì nhiệt độ nóng chảy thấp, nên bạn có thể chỉ làm nóng khu vực bị ảnh hưởng lên mức khoảng 70 độ C và kim loại lại tan chảy để sửa chữa hỏng hóc liên quan". Các nhà nghiên cứu đã chứng minh chức năng của kỹ thuật in bằng cách tạo ra cảm biến xúc giác mật độ cao và ghép một mạng lưới gồm 400 điểm ảnh tạo thành 1 cm2.

Nhóm nghiên cứu đã chứng minh khả năng phục hồi và chức năng của kỹ thuật mới và sẽ phối hợp với ngành công nghiệp áp dụng kỹ thuật để chế tạo cảm biến đeo trên người hoặc các thiết bị điện tử khác.

Theo vista.gov.vn