19:34, 24/05/2023

Cảnh giác trước các ứng dụng giả mạo ChatGPT

Việc OpenAI chính thức tung ra ứng dụng di động đầu tay cho nền tảng iOS khiến nhiều người dùng kỳ vọng về những ích lợi mới của công cụ trí tuệ nhân tạo này, nhưng theo đó cũng phát sinh một số rủi ro.

Ứng dụng ChatGPT chính thức do OpenAI phát hành trên App Store của Apple.
Ứng dụng ChatGPT chính thức do OpenAI phát hành trên App Store của Apple.

Theo các chuyên gia bảo mật, sự xuất hiện của ứng dụng "chính hãng" ChatGPT đồng nghĩa giờ là thời điểm người dùng cần hết sức cảnh giác để tránh tải và cài đặt nhầm các ứng dụng “trông giống” ChatGPT. Lâu nay, tin tặc vẫn lợi dụng chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) này để đưa mã độc xâm nhập vào thiết bị của người dùng thông qua các ứng dụng di động, nhằm đánh cắp thông tin cá nhân hoặc chiếm quyền điều khiển để tiến hành các hoạt động xấu.

Meta mới đây cũng thông báo đã chặn hàng ngàn liên kết quảng cáo trên Facebook dẫn tới các ứng dụng độc hại ẩn mình dưới danh nghĩa liên quan tới ChatGPT. Hầu hết trong số này đều có mục đích đánh cắp thông tin đăng nhập của người dùng.

Trong bối cảnh đầy rủi ro như vậy, để đảm bảo an toàn khi tiếp cận và cài đặt ứng dụng ChatGPT, người dùng cần đề cao cảnh giác và lưu ý một số chi tiết như sau:

Trước hết, ChatGPT mới được phát hành cho iOS (trên Apple iPhone, iPad) và hiện chưa có phiên bản dành cho thiết bị Android. Cũng lưu ý rằng, hiện có rất nhiều công cụ tiện ích được phát hành với quảng cáo có dạng “phát triển dựa trên công nghệ ChatGPT”. Tuy số này không hàm chứa mã độc, nhưng cũng không phải là ứng dụng mà người dùng đang muốn tìm.

Thứ đến, khi cài ChatGPT từ các cửa hàng ứng dụng trực tuyến, hãy đảm bảo nhà phát triển ứng dụng là OpenAI. Cần ưu tiên chọn những cửa hàng ứng dụng có uy tín, như App Store của iOS hay Google Play Store, hạn chế các nguồn cài đặt không rõ ràng hoặc các tập tin cài đặt chia sẻ từ những người xa lạ. Cần tuyệt đối tránh việc cài đặt các ứng dụng ChatGPT hiện diện trên quảng cáo, bởi khi người dùng nhấn vào các đường link mờ ám này, thường họ sẽ nhận được thông báo lỗi không thể cài đặt, nhưng thực tế ở đằng sau, mã độc đã xâm nhập vào máy tính hoặc điện thoại.

 

Trong trường hợp gấp gáp, hãy trung thành với phiên bản ChatGPT web quen thuộc,
 thay vì cố gắng tìm một ứng dụng di động
Trong trường hợp gấp gáp, hãy trung thành với phiên bản ChatGPT web quen thuộc, thay vì cố gắng tìm một ứng dụng di động


Thứ ba, trong mục thông tin trên các cửa hàng ứng dụng, cần xem xét kĩ phần đánh giá và bình luận bên dưới. Nếu phát hiện các chia sẻ cho rằng ứng dụng là giả mạo, nên dừng ngay việc cài đặt. Trong khi đó, ngay cả những ứng dụng phổ biến nhất cũng thường bị đánh giá lộn xộn (ví dụ như lượng sao đánh giá), thay vì một mức cố định 1 sao hoặc 5 sao. Tuy nhiên, lượng người đã đánh giá mới là yếu tố quyết định. Một ứng dụng phổ biến như ChatGPT phải có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượt đánh giá chỉ sau ít ngày từ thời điểm phát hành.

Thứ tư, khi bật ứng dụng giả mạo, thông thường, người dùng sẽ đối mặt với “bức tường phí”. Khi đó, ứng dụng sẽ yêu cầu thanh toán hoặc đưa ra đánh giá trước khi sử dụng. Hãy nhớ rằng ChatGPT hoàn toàn miễn phí, và chỉ yêu cầu 20 USD nếu người dùng muốn có thêm một số quyền lợi như thời gian trả lời nhanh hơn, nhưng không bắt buộc. Bất cứ khi nào cảm thấy nghi ngại, hãy thoát ngay khỏi ứng dụng lạ và gỡ cài đặt.

Cuối cùng, người dùng nên thường xuyên cập nhật phần mềm hệ điều hành cho thiết bị của mình. Các phiên bản mới thường được cải tiến đáng kể về bảo mật, qua đó tự vệ tốt hơn trước các mối đe doạ tiềm tàng.

Theo hanoimoi.com.vn