10:05, 09/05/2017

Khi du khách không mặc áo phao

Thời gian gần đây, tình trạng du khách đi tour biển đảo không mặc áo phao có dấu hiệu tái diễn. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan chức năng cũng không thể xử phạt bởi những bất cập của pháp luật.

Thời gian gần đây, tình trạng du khách đi tour biển đảo không mặc áo phao có dấu hiệu tái diễn. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan chức năng cũng không thể xử phạt bởi những bất cập của pháp luật.


Những năm trước, với nỗ lực của nhiều cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông đường thủy nên hầu như các chuyến tàu đưa khách đi tham quan và vui chơi trên biển đều tuân thủ mặc áo phao. Bước lên tàu hay ca nô, nếu chủ phương tiện chưa kịp đưa áo phao, du khách đã chủ động yêu cầu cung cấp áo để đảm bảo an toàn, phòng có sự cố xảy ra. Vậy nhưng, thời gian gần đây, tình trạng du khách không chịu mặc áo phao lại tái diễn. Du khách chỉ mặc áo đối phó khi tàu xuất bến, trên hành trình thăm các đảo hoặc vui chơi trên biển, phần lớn đều không chịu mặc áo phao.

 

Ông Trần Văn Phú - Trưởng Bến tàu du lịch Cầu Đá cho biết: “Theo quy định của chúng tôi, trước khi xuất bến, những người trên phương tiện giao thông đường thủy đều phải mặc áo phao. Thời gian qua, Bến tàu du lịch Cầu Đá cũng thiết lập hệ thống loa phát thanh liên tục tuyên truyền, hướng dẫn du khách về đảm bảo vệ sinh trên vịnh, phải mặc áo phao khi tham gia tour biển đảo. Tuy nhiên, khi phương tiện đã ra khỏi bến, du khách có mặc áo phao hay không, chúng tôi không thể quản lý được”.

 
Tình trạng du khách không mặc áo phao khá phổ biến

Tình trạng du khách không mặc áo phao khá phổ biến

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân tình trạng du khách không chịu mặc áo phao tái diễn một phần do lượng khách tăng cao nên việc quản lý, nhắc nhở du khách không được chu đáo như trước đây. Bên cạnh đó, nhiều du khách Trung Quốc chưa quen với việc mặc áo phao. Họ chỉ mặc áo khi xuất bến, và khi đi trên biển họ đều cởi áo ra vì nóng và không thoải mái để vui chơi. “Khách không chịu mặc áo phao mình đâu có làm gì được vì đó là quyền của họ, chủ phương tiện chỉ là người phục vụ thôi. Nhiều lần nhắc nhở nhưng khách không nghe nên đành chịu, với khách Trung Quốc mình có nói họ cũng không hiểu. Thành ra, việc tuyên truyền vận động là không khả thi. Vẫn biết mặc áo phao sẽ hơi bất tiện khi vui chơi, nhưng mặc vào sẽ đảm bảo an toàn cho tính mạng của du khách. Du lịch trên biển, giữa sóng nước mênh mông, biết tai nạn xảy ra khi nào mà lường”, ông Trần Minh Du (chủ phương tiện chở khách ở Bến tàu du lịch Cầu Đá) cho biết.


Trong quá khứ, đã có rất nhiều vụ tai nạn đường thủy và thiệt hại về người cũng chỉ vì du khách không được trang bị áo phao. Vậy nhưng, giờ đây, tình trạng du khách không chịu mặc áo phao tái diễn, các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý. Bởi, pháp luật chỉ quy định việc mặc áo phao bắt buộc cho người và phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa, còn đường biển lại chưa có quy định.


Đại tá Lê Đình Khải - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh cho biết: “Có một thực tế, hiện nay bến đò ngang (đường sông) có quy định mặc áo phao, còn bến tàu trên biển không có quy định nào bắt phải mặc áo phao nên rất khó xử lý. Đây là bất cập của pháp luật. Mà pháp luật không cấm thì mình không thể xử lý được. Vừa qua, chúng tôi cũng đã có kiến nghị về những bất cập này. Hy vọng trong thời gian tới, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan sẽ có những chế tài cụ thể cho vấn đề này”.


Đình Lâm