09:02, 16/02/2021

Lộc rừng đầu năm

Năm nay, thời tiết nắng ấm, bông đót nở rộ vào dịp Tết nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương cánh tây của huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lại tranh thủ vào rừng tận thu lộc rừng đầu năm.
 

 

Năm nay, thời tiết nắng ấm, bông đót nở rộ vào dịp Tết nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương cánh tây của huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lại tranh thủ vào rừng tận thu lộc rừng đầu năm.
 
Những ngày này, bông đót nở rộ trên khắp các sườn núi, con suối ở Khánh Vĩnh nên hàng trăm người dân các xã: Sơn Thái, Giang Ly, Khánh Thượng, Liên Sang… lại rủ nhau đi rừng hái đót. Tờ mờ sáng, khi màn sương chưa tan, bà Cà Rá (xã Giang Ly) đã cùng người làng đi rừng hái đót. Bà Cà Rá cho biết: “Mùa này, cả trăm người trong xã chia thành từng tốp, men theo các quả đồi, sườn núi, đi dọc suối để tìm đót. Năm nay, đót trổ bông muộn nên phải giáp Tết người dân mới đi hái đót; mùa đót này phải kéo dài đến giữa tháng 3”.

 

Đót tươi được thu mua, phơi khô.
Đót tươi được thu mua, phơi khô.
 
Thời gian đót trổ bông đến khi thu hoạch không lâu, khoảng 30 - 40 ngày nên người hái đót phải “chạy đua” với thời gian để thu được những bông đót đẹp nhất mới có thể bán được giá cao. Trung bình mỗi người có thể thu được  40 - 50 bó đót/ngày, những người có sức khỏe, chịu khó len lỏi tìm đót có thể thu được 60 - 70 bó/ngày, thậm chí nhiều hơn. Với giá bán 4.000 đồng/bó, người hái đót có thể kiếm được 150.000 - 200.000 đồng/ngày từ loại lộc rừng này. Một số người chăm chỉ có thu nhập cao hơn, khoảng 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, người hái đót cũng phải khá vất vả để có những bó đót đẹp.
 
Bà Cà Ngang (xã Khánh Thượng) chia sẻ: “Sống gần rừng, khi thì đi tìm mật ong, lúc hái nấm, khi nhặt ươi, vợ chồng tôi đã đi khắp các cánh rừng Khánh Thượng, Giang Ly…, đến đâu chúng tôi cũng để ý xem vùng nào có nhiều cây đót để đến giáp Tết lại đi thu đót. Năm nay, đót được mùa, giá cũng bằng năm trước nên mỗi ngày vợ chồng tôi cũng kiếm thêm được 400.000 - 500.000 đồng. Không chỉ mang lại thu nhập cho những người trực tiếp đi thu hái đót, nhiều người dân địa phương cũng có thêm thu nhập 150.000 đồng/ngày từ việc phơi đót cho các điểm thu mua”.
 
Hiện nay, ven cửa rừng ở các xã miền núi Khánh Vĩnh đều có người chờ thu mua cây đót tươi về phơi khô để bán lại cho các cơ sở làm chổi đót hoặc các đơn vị xây dựng trong và ngoài tỉnh. Người đi thu hái đót vui mừng vì cây đót thu đến đâu sẽ được mua hết đến đó. “Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu mua được hơn 3 tấn đót, tăng 30% so với năm trước. Tính ra khoảng 10 điểm thu mua đót ở 4 xã cánh tây Khánh Vĩnh đã thu được hơn 25 tấn đót”, ông Nguyễn Văn Duyến - người thu mua đót đến từ xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa) nói. 
 
Dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường là mùa thu hoạch đót. Cây đót đã góp phần cải thiện thu nhập cho người dân, giúp nhiều gia đình giải quyết khó khăn trước mắt. Vì vậy, bên cạnh việc tận thu lộc rừng, người dân địa phương cũng cần gìn giữ, bảo vệ rừng để rừng cho lộc bền vững. 
 
HẢI LĂNG