06:06, 19/06/2019

Học sinh với những ý tưởng bảo vệ môi trường

Tại cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2019, bằng kiến thức đã học cùng sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo, nhiều học sinh đã biết áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường dùng cho học tập, phục vụ cuộc sống…

Tại cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2019, bằng kiến thức đã học cùng sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo, nhiều học sinh (HS) đã biết áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường dùng cho học tập, phục vụ cuộc sống…


Rô bốt dọn rác trên đầm hồ


Theo em Trần Hoàng Khuê (Trường THPT Trần Bình Trọng, Cam Lâm), hàng ngày, các em đi học, đi chơi thường xuyên đi qua đầm Thủy Triều, thấy rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh trên mặt nước, lượng rác ngày một nhiều đã ảnh hưởng đến môi trường. Không ít lần Hoàng Khuê chứng kiến các anh chị đoàn viên, thanh niên ra quân dọn rác theo phương pháp thủ công khá vất vả nhưng hiệu quả chưa cao, do rác thải liên tục di chuyển theo dòng nước, gây khó khăn cho việc thu gom. Từ thực tế đó, Hoàng Khuê đã chia sẻ với bạn học cùng lớp Lê Trần Trâm Anh về ý tưởng của mình. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo bộ môn Vật lý Nguyễn Thị Thu Huệ, sau thời gian thực hiện, các em đã hoàn thành mô hình sản phẩm “Rô bốt dọn rác trên đầm hồ”. Sản phẩm giúp việc thu gom rác trên mặt nước hiệu quả hơn, thích hợp với nhiều hệ sinh thái nước, góp phần bảo vệ môi trường.

 

Mô hình sản phẩm “Rô bốt dọn rác trên đầm hồ” được nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm.

Mô hình sản phẩm “Rô bốt dọn rác trên đầm hồ” được nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm.


Hoàng Khuê cho biết, khi máy được thả trên mặt nước, người điều khiển chỉ ngồi trên bờ bấm nút điều khiển từ xa, máy sẽ tự động gom rác một cách liên tục. Bộ điều khiển từ xa gồm 2 bộ phận chính: nút điều khiển băng chuyền và nút điều khiển chân vịt. Máy hấp thụ năng lượng ánh sáng bằng tấm pin năng lượng mặt trời, 2 ống nước hai bên máy nhằm cố định lượng rác vào giữa, tránh trường hợp rác trôi theo dòng nước. So với những loại máy vớt rác lòng cảo, loại máy này giảm được lực ma sát trượt gây ra làm cản trở sự thu rác. “Sản phẩm được xem như một trải nghiệm thực tế, chúng em đã vận dụng những gì đã học tập và nghiên cứu thêm những kiến thức về lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ tự động, lập trình. Sau khi sản phẩm hoàn chỉnh, chúng em đã cho chạy thử nghiệm ở đầm, bước đầu máy hoạt động tốt. Theo tính toán của chúng em, khi pin được sạc đầy bình, máy thu gom được khoảng 10kg rác thải. Thực tế, sản phẩm hiện mới chỉ dừng lại ở mô hình, chúng em mong muốn tiếp tục được nghiên cứu hoàn chỉnh hơn để có thể đưa sản phẩm vào áp dụng thực tế”, Hoàng Khuê nói.


Sản phẩm thân thiện với môi trường


Từ thực tế thấy bố mẹ ban ngày vất vả thu hoạch bắp trên nương rẫy, tối về nhà lại chong đèn ngồi tách từng hạt bắp, em Mấu Hồng Sơn (Trường THCS Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn) đã nghiên cứu, chế tạo máy tách hạt bắp nhằm giúp bố mẹ tách hạt bắp nhanh chóng. Theo Sơn, ngay khi bắt tay vào nghiên cứu, em đã tìm tòi học hỏi trên mạng và thấy có một số cách tách hạt bắp được đăng tải khá hiệu quả nhưng không phù hợp với thực tế như: dùng những thiết bị phức tạp, đắt tiền, những nơi có điện mới sử dụng được… Trong khi đó, gia đình Sơn là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện mua máy tách hạt bắp chuyên dụng và các thiết bị phức tạp đó. Dó đó, em đã tận dụng các phế liệu bỏ đi hay rẻ tiền, có sẵn như: sên, líp xe đạp cũ, ống nhựa, đai ốc, sơn, sắt, rổ đựng… để chế tạo thành máy tách hạt bắp. Sau thời gian mày mò nghiên cứu, bước đầu em đã lắp hoàn chỉnh sản phẩm “Máy tách hạt bắp”. Hồng Sơn chia sẻ: “Sau khi chế tạo hoàn chỉnh máy, em đã dùng tách thử bắp trong gia đình, máy hoạt động tốt nhưng còn nhiều hạn chế. Đây là lần đầu em thực hiện nghiên cứu nên vẫn còn thiếu sót, vì vậy em mong nhận được nhiều ý kiến góp ý để hoàn chỉnh máy đưa vào áp dụng thực tế”.


Nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Khánh, Trần Nguyên Trúc Lam (Trường THCS Chu Văn An, thị xã Ninh Hòa) Mang lại mang đến cuộc thi mô hình trang trại vườn - ao - chuồng - biogas (VACB). Đây là sản phẩm dự thi nằm trong lĩnh vực đồ dùng học tập thân thiện với môi trường. Em Nguyễn Ngọc Khánh chia sẻ, hiện nay trong nhà trường chưa có một mô hình trang trại kiểu mới nào để HS quan sát trực quan và học tập. Từ thực tế đó, cùng với quá trình học môn Công nghệ chăn nuôi, các em thấy sự cần thiết phải làm ra một bộ đồ dùng học tập, giúp HS hiểu rõ hơn về bài học đó là mô hình VACB. Mô hình được ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao, có thể sử dụng làm dụng cụ học tập cho HS quan sát trong các tiết học môn Công nghệ lớp 7 và môn Sinh học có kiến thức liên quan đến chăn nuôi, môi trường. Qua đó, giúp các em nhận thức được hiệu quả khi áp dụng mô hình vào cuộc sống như: tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; đa dạng các mặt hàng nông phẩm; bảo vệ môi trường sống…


Ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng cho biết: “Năm nay, lĩnh vực môi trường thu hút sự tham gia của nhiều HS với 125 sản phẩm, chiếm 28%; trong đó có 36 sản phẩm/68 sản phẩm đạt giải. Các em đã biết sử dụng những hiểu biết của mình đưa khoa học công nghệ áp dụng trong cuộc sống để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, dùng cho học tập, phục vụ cuộc sống. Nhiều mô hình sản phẩm có giá trị ứng dụng cao trong thực tế. Các em đã biết tận dụng những vật liệu, phế liệu bỏ đi, tạo ra các sản phẩm độc đáo làm dụng cụ trong gia đình, học tập…”.


KHÁNH HÀ