01:01, 30/01/2019

Nghề gói bánh chưng ngày Tết

Những ngày này, nhiều gia đình làm nghề gói bánh chưng ở TP. Nha Trang đang tất bật với những mẻ hàng Tết. Nhiều gia đình phải huy động thêm nhiều con, cháu phụ giúp và thuê thêm nhân công mới có thể đáp ứng đủ đơn hàng của khách.

Những ngày này, nhiều gia đình làm nghề gói bánh chưng ở TP. Nha Trang đang tất bật với những mẻ hàng Tết. Nhiều gia đình phải huy động thêm nhiều con, cháu phụ giúp và thuê thêm nhân công mới có thể đáp ứng đủ đơn hàng của khách.


Chúng tôi đến nhà bà Cao Thị Hiền ở tổ 2 thôn Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Hiệp khi đại gia đình bà đang tất bật với các công đoạn làm bánh chưng để phục vụ khách hàng trong dịp Tết. Lá chuối, lá dong, gạo nếp, đậu xanh… chất kín cả sân. Trong nhà, bà Hiền cùng 5 người con tay thoăn thoắt gói bánh; mấy đứa cháu của bà thì chẻ lạt, lau lá dong, lá chuối, chất bánh lên xe rùa chuyển ra khu vực luộc bánh ngoài góc vườn. Ở khu vực này, 3 nồi luộc bánh cỡ lớn đang đỏ lửa. Theo bà Hiền, ngày thường gia đình bà chỉ gói bánh chưng, bánh tét với khoảng 100kg nếp. Nhưng dịp Tết, số lượng nếp tăng lên hơn 3 tấn/ ngày. Do vậy, ngoài việc huy động thêm các con, cháu về phụ giúp, bà phải thuê thêm 6 người để lo khâu luộc bánh từ 22 đến 29 tháng Chạp.

 

Ông Hai cùng các thành viên trong đại gia đình  tất bật với công việc làm bánh.

Ông Hai cùng các thành viên trong đại gia đình tất bật với công việc làm bánh.


Tại gia đình ông Lê Văn Hai ở tổ 3 Vĩnh Điềm, phường Ngọc Hiệp, gần 30 người trong đại gia đình ông không ngơi tay với các công đoạn làm bánh để kịp giao cho khách hàng trước ngày cúng tiễn Táo Quân (ngày 23 tháng Chạp). Trong khoảng sân rộng có mái che, vợ chồng ông cùng các con cháu ngồi thành vòng tròn, mỗi người một việc: chẻ lạt, lau lá, gói bánh, buộc bánh… Cạnh đó, mấy đứa cháu trai của ông tập trung giữ lửa cho 3 nồi bánh chưng cỡ lớn. “Nghề này phải làm việc 24/24 giờ mỗi ngày, nên phải chia ca để làm. Ai gói bánh vào ban ngày thì ban đêm tranh thủ ngủ; ai ngủ ban ngày thì ban đêm thức luộc bánh. Nghề này tuy không làm giàu nhưng đã cho gia đình tôi cuộc sống no đủ suốt hơn 20 năm qua. Riêng dịp Tết, với lượng hàng rất lớn nên cũng đem lại nguồn thu nhập kha khá”, bà Cao Thị Thân - vợ ông Hai chia sẻ.


Theo ông Hai, ngày thường, vợ chồng ông chỉ gói bánh chưng, bánh tét, với khoảng 50kg gạo nếp, song vào dịp Tết tăng lên từ 4,5 - 5 tấn nếp mỗi ngày. Vì vậy, ngoài việc huy động hết các con, cháu về phụ giúp, ông phải thuê thêm 6 người chuyên lo công đoạn luộc bánh vào ban đêm. “Ngoài yêu cầu hàng đầu là đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, bánh chưng, bánh tét trong dịp Tết phải đặc biệt hơn bánh ngày thường. Vì thế, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu như: gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… cũng phải chọn loại ngon. Công đoạn gói bánh cũng phải cần chăm chút hơn để có sản phẩm vuông vức (bánh chưng), tròn đều (bánh tét) và dù gói không dùng khuôn nhưng cái nào cũng phải đều nhau để đảm bảo tính thẩm mỹ tối đa, bởi vì bánh Tết không còn đơn thuần là một món ăn mà là lễ vật thờ cúng theo truyền thống của dân tộc. Do vậy, dù lượng bánh có thể lên đến hàng chục nghìn cái, nhưng riêng khâu gói bánh chỉ những người có tay nghề mới làm được nên không thể thuê người ngoài. Riêng khâu luộc bánh, nếu không đủ và đều lửa hay châm thêm nước không đúng thời điểm cũng có thể làm bánh bị sống, không đảm bảo chất lượng. Vì thế, dù có thuê người luộc bánh, tôi cũng phải thức canh cùng họ”, ông Hai cho biết.


Theo những gia đình có truyền thống làm nghề gói bánh chưng, nghề này tương đối dễ làm, nhiều công đoạn như: lau lá, chẻ lạt, buộc bánh… trẻ nhỏ hay người già trong gia đình cũng có thể làm được. Lâu dần, mọi thành viên trong gia đình đều có thể làm được mọi công đoạn làm bánh. Không chỉ vậy, nghề này tuy chiếm nhiều thời gian song cũng cho thu nhập khá, vào ngày thường, trừ chi phí, mỗi thành viên trực tiếp làm bánh có thu nhập trên dưới 300.000 đồng/ngày.


Theo phong tục của người Việt, bánh chưng là món không thể thiếu của mỗi gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, đây cũng là món ăn dân dã, quen thuộc trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Đây cũng chính là lý do và là điều kiện để không ít gia đình ở TP. Nha Trang xem nghề làm bánh chưng là nghề truyền thống của gia đình, đem lại cuộc sống ấm no suốt hàng chục năm qua.


THẾ ANH