06:04, 05/04/2023

Quản lý đất đai - trách nhiệm từ người đứng đầu

Cuối tháng Ba và đầu tháng Tư, Khánh Hòa đón nhận nhiều tin vui khi Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Cuối tháng Ba và đầu tháng Tư, Khánh Hòa đón nhận nhiều tin vui khi Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.  Các quy hoạch được duyệt chính là cơ sở, tiền đề quan trọng trong việc thực hiện hóa mục tiêu Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Cũng trong tháng Tư, hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư do tỉnh tổ chức đã thành công tốt đẹp với con số ấn tượng: thu hút được 116.500 tỷ đồng từ các dự án của các nhà đầu tư lớn.
 
Thời cơ lớn, vận hội mới, Khánh Hòa đã nắm bắt được để từng bước đến gần hơn với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Những kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của cả hệ thống chính trị trong suốt thời gian qua. Cũng từ đây, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương cũng sẽ nặng nề hơn, bởi đạt được những bước đi ban đầu không có nghĩa là dừng lại ở đó mà chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để Khánh Hòa thật sự chuyển mình mạnh mẽ, phải là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư tầm cỡ, uy tín. Để thực hiện thành công các quy hoạch, Khánh Hòa sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các vùng động lực và hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch phân khu; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải thiện chỉ số quản trị địa phương để trở nên cạnh tranh hơn. Những phần việc quan trọng này, để vận hành trơn tru, hiệu quả, cả guồng máy phải như một đoàn tàu, không thể có toa nào ì ạch, chậm trễ. Tất cả đều phải “chạy” nhịp nhàng, nhanh và hiệu quả.
 
Vui vì sự thành công bước đầu nhưng cũng thấy lo khi ở một số địa phương, nhất là những vùng vừa được công bố quy hoạch lại bắt đầu xuất hiện tình trạng sốt đất ảo, chính quyền buông lỏng quản lý về đất đai, tạo ra nhiều hệ lụy. Còn nhớ năm 2017, Vạn Ninh chứng kiến đợt sốt đất chưa từng có, nhiều thời điểm mỗi m2 đất ven biển có giá lên đến 80 triệu đồng. Đến giữa tháng 6-2020, Chính phủ cho tạm dừng triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) Bắc Vân Phong, cơn sốt giá xẹp xuống. Rồi bây giờ lại bùng lên. Mới đây là Cam Lâm, khi có thông tin về quy hoạch vùng này, sốt đất ảo diễn ra trong một thời gian dài, nhiều khu vực bị băm nát bởi tình trạng phân lô bán nền, sang nhượng, chuyển nhượng trái phép. 
 
Phải làm sao để chấm dứt tình trạng này?
 
Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 14 ngày 5-4, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh nhiều lần khẳng định, cần phải tăng cường, siết chặt lại công tác quản lý đất đai ở các địa phương. Đây là việc làm cần kíp, bởi không thể để lặp lại như trước đây, khi nhà đầu tư lớn chưa vào, đất đai ở địa phương đã bị thổi giá, bị nhiều người “ôm” để trục lợi. Quy hoạch đã được công bố, hơn ai hết, chính quyền địa phương phải là người hiểu và nắm rõ để quản lý, không thể có tình trạng ở đâu có quy hoạch là ở đó lại có cán bộ “vẽ đường” cho đất… sốt, tất cả chỉ vì lợi ích cá nhân. 
 
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu, cần phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành, nhất là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai. Trước mắt cần tập trung vào các khâu tổng rà soát, điều chỉnh, quản lý các quy hoạch, đảm bảo đồng bộ, khớp nối với các quy hoạch chung. Người đứng đầu thực hiện đúng, nghiêm minh, cả bộ máy cũng sẽ làm đúng, làm chuẩn. “Thời gian tới sẽ tăng cường kiểm soát, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, nhất là làm rõ trách nhiệm người đứng đầu” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
 
Đã có rất nhiều bài học đau xót khi nhiều cán bộ lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp huyện phải trả giá, thân bại danh liệt cũng vì buông lỏng, thiếu trách nhiệm, trục lợi trong công tác quản lý đất đai. Những bài học ấy là lời cảnh tỉnh những ai đó “máu tham hễ thấy hơi đồng là mê”. Hãy nhìn vào đó để tự răn mình. 
 
Chúng ta đang nỗ lực, cố gắng hết sức để xây dựng Khánh Hòa giàu mạnh, hiện đại hơn trong tương lai. Để làm được điều đó, mỗi người phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cống hiến, biết hi sinh lợi ích cá nhân, để làm được nhiều hơn những điều lớn lao cho quê hương mình…
 
LỆ HẰNG