11:02, 17/02/2022

Đừng để thành chuyện đã rồi

Hàng chục ngàn m2 đất rừng sản xuất khu vực hồ Am Chúa (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) đã bị một số hộ dân tự ý san ủi, xây dựng thành các công trình kiên cố, biến nơi này thành điểm du lịch sinh thái, bất chấp vi phạm hành lang an toàn lòng hồ. Chuyện thật như đùa này diễn ra từ năm 2021, đến nay mới bị phát hiện, mà khi phát hiện thì các hạng mục công trình đã rải rác hoàn thành, chứ không phải là mới có dấu hiệu san ủi! Một câu hỏi được đặt ra: tại sao họ lại có thể dễ dàng làm chuyện này, những công trình được thi công trong một thời gian dài tại sao lại không bị phát hiện sớm?

Hàng chục ngàn m2 đất rừng sản xuất khu vực hồ Am Chúa (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) đã bị một số hộ dân tự ý san ủi, xây dựng thành các công trình kiên cố, biến nơi này thành điểm du lịch sinh thái, bất chấp vi phạm hành lang an toàn lòng hồ. Chuyện thật như đùa này diễn ra từ năm 2021, đến nay mới bị phát hiện, mà khi phát hiện thì các hạng mục công trình đã rải rác hoàn thành, chứ không phải là mới có dấu hiệu san ủi! Một câu hỏi được đặt ra: tại sao họ lại có thể dễ dàng làm chuyện này, những công trình được thi công trong một thời gian dài tại sao lại không bị phát hiện sớm?


Theo lý giải của chính quyền địa phương, việc san ủi, xây dựng trái phép này diễn ra trong thời gian địa phương tập trung phòng, chống dịch Covid-19; khu vực bên trong hồ là rừng sản xuất, đường đi lại khó khăn nên lực lượng chức năng chưa kiểm tra, phát hiện kịp thời. Với khối lượng công trình như vậy, liệu có thể gọi là lén lút không? Việc san ủi, tập kết t đá, làm nhà tiền chế, dựng kè đá núi tảng lớn, làm hồ nuôi cá…, nếu không diễn ra hàng ngày thì liệu có thành hình như bây giờ không?


Chuyện này cũng giống như vụ xẻ thịt Hòn Thẻ ở Cam Lâm hay ở phá núi ở Hòn Rồng (Cam Ranh), ở Phước Đồng (Nha Trang). Tình trạng chặt phá cây rừng, san lấp, chuyển nhượng đất, xây dựng công trình trái phép ở đất rừng diễn ra trong thời gian dài nhưng đều được phát hiện khi mọi chuyện đã rồi. Những hành vi vi phạm bị xử lý, nhưng có một điều là để khôi phục hiện trạng như ban đầu là không thể. Như vụ ở hồ Am Chúa, với hành vi chuyển đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp, các trường hợp vi phạm bị xử phạt. Phạt là theo quy định, còn hậu quả là hàng chục nghìn m2 đất đai bị san ủi, bị biến thành những công trình phục vụ mục đích của họ thì liệu có lấy lại và khôi phục hiện trạng được không?


Rất nhiều câu hỏi được đặt ra mỗi khi có vụ việc tương tự xảy ra trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Rõ ràng, nếu quản lý chặt thì không thể có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Cũng cần nhắc lại, tháng 10-2019, Tỉnh ủy đã có Chỉ thị 22 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Và tháng 11-2021, Tỉnh ủy cũng đã có công văn yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát toàn bộ các văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, nhất là vấn đề liên quan đến hạn mức tối thiểu tách thửa đất, hiến đất làm đường giao thông, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong những nội dung này đều nêu rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tuyệt đối không được buông lỏng trách nhiệm quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với trường hợp sai phạm.


Sai phạm, nếu có đương nhiên sẽ bị xử lý. Điều đáng nói là, làm thế nào đừng để tái diễn những vụ việc tương tự ở địa phương này hay địa phương khác. Sau mỗi vụ việc đều để lại những hậu quả, giải quyết hậu quả như thế nào là cả một vấn đề, không đơn giản, mất nhiều thời gian, công sức và cả những bài học đắt giá!


HẢI NGUYỆT