11:07, 11/07/2021

Quản lý chợ chặt hơn nữa

Sau 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch, bên cạnh sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, có thể thấy người dân đã tự giác chấp hành cơ bản tốt. Tuy nhiên, điều mà người ta dễ nhìn thấy nhất và lo nhất chính là quản lý ở các chợ hiện nay vẫn thiếu chặt chẽ. 

Sau 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch, bên cạnh sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, có thể thấy người dân đã tự giác chấp hành cơ bản tốt. Tuy nhiên, điều mà người ta dễ nhìn thấy nhất và lo nhất chính là quản lý ở các chợ hiện nay vẫn thiếu chặt chẽ. Quan tâm đến chợ bởi đợt dịch này bùng phát phức tạp khởi đầu từ các chợ, và môi trường chợ chật chội, ẩm thấp là môi trường lý tưởng để dịch bệnh lây lan.


Những ngày qua, các cấp chính quyền đã quyết liệt dẹp các chợ tự phát. Các hộ bán hàng ven các chợ chính cũng được tuyên truyền, vận động và kiên quyết sắp xếp lại. Các chợ chính đã thu nhỏ quy mô, sắp xếp gọn gàng trật tự, kiểm soát được lượng người mua bán. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ. Dễ dàng thấy tình trạng người dân vẫn thích là chạy ra chợ, khi vào trong chợ thì chả ai quan tâm gì đến việc giữ khoảng cách, vẫn như… cái chợ!


Với đặc điểm của Khánh Hòa, chợ vẫn là nơi chính phục vụ, cung cấp các nhu yếu phẩm hàng ngày cho đa số người dân. Hệ thống siêu thị mới chỉ tập trung ở Nha Trang và cũng chưa đủ sức phục vụ thay thế các chợ, nói chi các địa phương khác. Do vậy muốn gì thì muốn, chợ vẫn phải được hoạt động hàng ngày. Vấn đề là quản lý như thế nào mà thôi.


Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy các địa phương đã có những cách quản lý người dân đi chợ rất tốt. Đó là cách làm của Đà Nẵng, của các tỉnh tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang. Đó là phát phiếu đi chợ ngày chẵn, ngày lẻ cho người dân, tổ chức kiểm tra ngay từ cửa chợ khống chế số lượng người được vào, trong chợ sơn vạch rõ khoảng cách người mua, người bán… Và hơn nữa là chợ được mở cửa thì trong chợ chỉ những quầy bán nhu yếu phẩm được phép bán, các quầy khác không cần thiết phải tạm đóng cửa để hạn chế người ra vô. Chính những biện pháp này đã giúp địa phương chủ động đối phó với dịch bệnh.


Trước mắt chúng ta còn có khoảng 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội, là thời gian quý báu để có các giải pháp khoanh vùng, dập dịch dứt điểm. Thiết nghĩ, lực lượng các địa phương còn mỏng, không thể căng mình ra khắp mọi nơi thì nên tập trung vào những điểm xung yếu, trong đó quản lý tình hình các chợ là điểm quan trọng nhất. Hàng quán trên đường phố, người đi ra công viên… những điều đó dễ quản lý bởi chỉ cần một vòng kiểm tra nhắc nhở là ổn. Riêng chuyện chợ búa, liên quan đến cái ăn hàng ngày của cả xã hội mới là nơi khó quản lý.


Nếu chúng ta áp dụng, tin rằng người dân sẽ ủng hộ. Bởi ai cũng hiểu, nếu không chịu khó cùng chính quyền thì biết bao giờ mới dẹp xong dịch.


Thủy Ngân