11:10, 08/10/2020

Tư tưởng của Người về giới thương nhân

Cách đây 75 năm, chỉ ít ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 13-10-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công thương Việt Nam, bức thư có đoạn: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…".

Cách đây 75 năm, chỉ ít ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 13-10-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công thương Việt Nam, bức thư có đoạn: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”.

Tiếc thay suốt một thời gian dài còn tư tưởng giáo điều trong cơ chế quan liêu bao cấp, quan điểm và tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giới doanh nhân đã không được nhìn nhận. Thời ấy, những người làm ăn ngoài nhà nước đều bị coi là thành phần cần phải cải tạo xã hội chủ nghĩa. Buôn bán là gian thương, làm ăn tư nhân là mầm mống của phát triển tư bản…


Trong làn gió đổi mới bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, vai trò các thành phần kinh tế dần được định hình. Giới doanh nhân được trở về đúng vị trí của họ trong xã hội. Doanh nhân, họ là những người chủ doanh nghiệp đóng thuế cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế đất nước.


Gần 20 năm đổi mới, cộng đồng doanh nhân mới có được một ngày kỷ niệm chính thức. Đó là ngày 20-9-2004 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, hàng năm lấy ngày 13-10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Tiếp đó, ngày 9-12-2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09/NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.


Đội ngũ doanh nhân của Khánh Hòa trong những năm qua, tuy chưa có nhiều gương mặt nổi bật, chưa có những doanh nghiệp đình đám, nhưng đã thể hiện vai trò to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Khối doanh nghiệp ngoài nhà nước là nơi tạo việc làm, thu nhập chủ yếu cho xã hội. Trong năm 2020 này, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn bao giờ hết. Trong 9 tháng từ đầu năm đến nay, có 1.267 doanh nghiệp được thành lập mới thì cũng có 1.049 doanh nghiệp dừng hoạt động, tăng 96% so cùng kỳ…


Đội ngũ doanh nhân đang chèo lái, giữ cho doanh nghiệp tồn tại đang cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước hơn bao giờ hết. Trong những ngày này, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với doanh nghiệp, doanh nhân vẫn vẹn nguyên tính thời sự: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này”.


Thủy Ngân