11:08, 17/08/2017

Chuyển đổi, phải từ nhận thức

Đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 97 hợp tác xã (HTX) và 1 Liên hiệp HTX đã chuyển đổi, sắp xếp lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Toàn tỉnh có 64.000 thành viên HTX; vốn chủ sở hữu gần 125 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2013. Kinh tế HTX đang có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 97 hợp tác xã (HTX) và 1 Liên hiệp HTX đã chuyển đổi, sắp xếp lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Toàn tỉnh có 64.000 thành viên HTX; vốn chủ sở hữu gần 125 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2013. Kinh tế HTX đang có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


So với trước chuyển đổi, các HTX đã sử dụng vốn hiệu quả hơn; tăng được vốn tích lũy từ 10 đến 15%/năm; chia lãi cổ phần cho thành viên từ 8 đến 10%/năm. Những kết quả đáng mừng nói trên xuất phát từ tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo của lãnh đạo HTX. Bên cạnh việc tổ chức sản xuất, làm tăng lợi nhuận, nhiều HTX đã thực sự quan tâm đến việc chăm lo lợi ích, đời sống vật chất và tinh thần của xã viên, người lao động. Nhờ đó, xã viên yên tâm, gắn bó với HTX.


Theo khảo sát của Liên minh HTX Khánh Hòa, hầu hết các HTX hoạt động yếu kém đều do thiếu bộ máy lãnh đạo tốt; chậm đổi mới phương thức quản lý, điều hành; thiếu chủ động trong sản xuất kinh doanh… HTX không mở ra được hướng sản xuất, dịch vụ mới, dẫn đến doanh thu, lợi nhuận thấp, xã viên không gắn bó với HTX. Và cứ vậy, tạo thành một vòng lẩn quẩn: xã viên càng không gắn bó thì HTX càng yếu; mà HTX càng yếu thì xã viên càng xa rời.


Thẳng thắn nhìn lại 10 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tập thể (2002 - 2012) và 4 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 (2013 - 2017), có thể thấy, kinh tế HTX ở Khánh Hòa chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ; chưa tạo được bước đột phá. Kinh tế HTX trong tỉnh hiện vẫn nhỏ bé, manh mún.


Theo Liên minh HTX Khánh Hòa, hiện còn nhiều nơi cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan chưa nhận thức thật đầy đủ, đúng đắn vị trí, vai trò của kinh tế HTX, thậm chí không phân biệt được mô hình HTX kiểu mới hiện nay với HTX cũ trước đây. Từ đó dẫn đến hai xu hướng lệch lạc. Thứ nhất là thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương trong nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể thiếu chặt chẽ, khiến điều kiện làm việc, hoạt động của các HTX đã khó khăn lại càng khó khăn. Thứ hai là can thiệp quá sâu trong quá trình hoạt động, làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các HTX, nhất là trên các lĩnh vực nhân sự, phân phối thu nhập…


Không chỉ vậy, nhận thức về kinh tế tập thể, mô hình HTX kiểu mới của nhiều thành viên tham gia HTX cũng chưa đầy đủ, đúng đắn, khiến việc củng cố tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của nhiều HTX gặp nhiều trở ngại. Tâm lý e dè, tư duy theo cách HTX kiểu cũ trong người dân vẫn còn nặng nề, thậm chí còn ám ảnh một thời “sáng kẻng ra, trưa kẻng về”, “cha chung không ai khóc”. Do đó, trong tình hình hiện nay, tuyên truyền thực hiện Luật HTX năm 2012 cần phải tập trung làm rõ; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế hộ gia đình trong phát triển kinh tế tập thể; về mô hình HTX kiểu mới gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong mô hình HTX kiểu mới, các vấn đề về sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân của thành viên tham gia HTX phải được giải thích, phân định một cách rõ ràng, cụ thể, tránh chung chung.


Một khi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân về những nội dung nói trên còn chưa có sự chuyển biến tốt, nhất là các vấn đề liên quan tới sở hữu tư liệu sản xuất, thì quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các HTX chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn.


PHONG NGUYÊN