07:08, 28/08/2017

70 km và sự minh bạch

Vừa qua, cử tri Khánh Hoà có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải về việc cho đặt 2 trạm thu phí giao thông BOT trên địa bàn Ninh Hoà. Trả lời cử tri, Bộ GTVT khẳng định việc đặt 2 trạm này đã tuân thủ các quy định pháp luật, có vị trí hợp lý, được UBND tỉnh có văn bản đồng ý thoả thuận.

Vừa qua, cử tri Khánh Hoà có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải về việc cho đặt 2 trạm thu phí giao thông BOT trên địa bàn Ninh Hoà. Trả lời cử tri, Bộ GTVT khẳng định việc đặt 2 trạm này đã tuân thủ các quy định pháp luật, có vị trí hợp lý, được UBND tỉnh có văn bản đồng ý thoả thuận.


Nhân dư luận đang “nóng” chuyện thu phí BOT, người ta mới quay trở lại sự “hợp lý” của các trạm này ra sao. Và câu hỏi đặt ra là dựa trên cơ sở nào để Bộ Tài chính ra thông tư quy định các trạm thu BOT trên cùng một tuyến phải cách nhau tối thiểu 70 km?


Trạm Ninh An thu phí cho dự án Hầm đường bộ đèo Cả từ năm 2012, khi đó dư luận có ý kiến thì được Công ty CP đầu tư đèo Cả là chủ đầu tư giải thích Nhà nước giao cho thu giúp phí đối ứng phần vốn BT của Nhà nước trong dự án Hầm đường bộ đèo Cả. Nhưng từ khi công ty thực hiện 37 km nâng cấp Quốc lộ 1 từ Nam đèo Cả tới Ninh Hoà thì việc thu phí là để hoàn phần vốn này. Đáng nói là trạm trước đặt ở Ninh An, nhưng sau này xin chuyển vào Ninh Lộc.
 

Kể từ năm 2016 bắt đầu thu phí khiến những xe chạy tuyến Nha Trang - Đắk Lắk theo Quốc lộ 26 dù không chạy Quốc lộ 1 ra đèo Cả cũng bị thu phí.


Năm 2015, Bộ GTVT phê duyệt cho đặt trạm thu phí BOT tại Ninh Xuân để thu phí cho tuyến đường tránh thị xã Ninh Hoà và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26. Hiện đang hoàn chỉnh, nghiệm thu và chuẩn bị thực hiện thu phí. Như vậy, những xe đi tuyến Nha Trang - Đắk Lắk vừa bị thu phí giao thông trạm Ninh Lộc, chạy thêm chút nữa tới trạm Ninh Xuân lại bị thu phí cho Quốc lộ 26.


Người dân hoàn toàn hiểu xã hội hoá việc đầu tư đường xá là chủ trương đúng. Ngân sách không thể đầu tư cho mọi tuyến giao thông. Người dân hoàn toàn chấp nhận trả phí cho các tuyến đường được thực hiện theo phương thức BOT, miễn là minh bạch, đi đoạn nào trả đoạn đó.


Câu hỏi đặt ra là Bộ Tài chính căn cứ khoa học nào để quy định các trạm thu phí BOT cùng một tuyến đường phải cách nhau tối thiểu 70 km? Tại sao không rõ ràng, minh bạch là đi đường nào trả phí đường đó. Nhà đầu tư làm đoạn nào thì để trạm ngay tại đoạn đó mà thu phí. Ví dụ thu phí qua hầm đèo Cả đặt trạm ngay cửa hầm, thu phí cho tuyến tránh Phan Rang đặt trạm ở đầu tuyến tránh, thu cho đoạn từ Nam đèo Cả về Ninh Hoà thì đặt trạm ở Ninh An như trước đây là hợp lý....


Chính vì quy định này nên nhà đầu tư mới lợi dụng, tìm cách thoả thuận đặt trạm ở những vị trí thuận lợi nhất, để thu phí cả những phương tiện không hề sử dụng tuyến đường mà nhà đầu tư nâng cấp.


Quy định do con người đặt ra. Trong quá trình thực hiện nếu bộc lộ sự bất cập thì phải được thay đổi. Điều mà người dân cần là sự minh bạch.


THỦY NGÂN