10:11, 28/11/2020

Người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản

Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen (Friedrich Engels) là nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX, người cùng với Các Mác (Karl Marx) đã sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen (Friedrich Engels) là nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX, người cùng với Các Mác (Karl Marx) đã sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.
 
 
Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen (1820 - 1895). (Ảnh tư liệu)
Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen (1820 - 1895). (Ảnh tư liệu)
 
Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen sinh ngày 28-11-1820 ở TP. Ba-rơ-men tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ (ngày nay là nước Đức) trong một gia đình là chủ xưởng dệt. Năm 14 tuổi, Ph.Ăng-ghen học tại TP. Ba-rơ-men và đã sớm bộc lộ năng khiếu về ngoại ngữ. Tháng 10-1834, Ph.Ăng-ghen chuyển sang học ở Trường Trung học En-béc-phen-đơ, một trường tốt nhất ở Phổ thời bấy giờ. Năm 1837, Ph.Ăng-ghen buộc phải rời bỏ trường trung học khi chưa tốt nghiệp để bắt đầu công việc buôn bán ở văn phòng theo yêu cầu của bố. Trong thời gian này ông tự học các ngành sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ và thơ ca. Tháng 6-1838, Ph.Ăng-ghen đến làm việc tại Văn phòng thương mại ở thành phố cảng Ba-rơ-men, thành phố cảng lớn buôn bán với nhiều nơi trên thế giới. Tại đây, Ph.Ăng-ghen được mở rộng tầm hiểu biết về nền văn học và báo chí nước ngoài cũng như tác động của cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã chín muồi ở Đức hồi bấy giờ và chính điều đó đã thúc đẩy việc hình thành các quan điểm dân chủ - cách mạng ở Ph.Ăng-ghen.
 
Từ bỏ vị trí xuất thân của mình, Ph.Ăng-ghen đã lăn lộn, gắn bó với phong trào công nhân, với tấm lòng trung thành vô hạn và lập trường kiên định, với trí tuệ thiên tài và sự mẫn cảm về chính trị, Ph.Ăng-ghen đã quan sát, cảm nhận trực tiếp nhu cầu bức thiết của một giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất trong xã hội tư bản và phát hiện ra lực lượng xã hội có vai trò chủ đạo trong cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản - đó là giai cấp công nhân.
 
Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen không chỉ phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, theo V.I.Lênin đó là “điểm trọng yếu trong học thuyết Mác” mà còn góp phần vạch ra vai trò của đội tiền phong (chính đảng) của giai cấp công nhân. Cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen luôn luôn gắn lý luận và thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân vừa với tư cách nhà bác học, vừa với tư cách người thầy của giai cấp công nhân thế giới. Ph.Ăng-ghen đã cống hiến toàn bộ nghị lực phi thường, trí tuệ uyên bác và trái tim nồng nhiệt của mình cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, sự nghiệp xây dựng và củng cố các đảng của giai cấp vô sản. Với tinh thần cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác, Ph.Ăng-ghen nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Chủ nghĩa xã hội từ khi trở thành khoa học, đòi hỏi phải được đối xử như là một khoa học”. Đứng trên lập trường ấy, Ph.Ăng-ghen đã cùng C.Mác đấu tranh không mệt mỏi khuynh hướng phản khoa học và không tưởng trong phong trào công nhân, từ chủ nghĩa cộng sản không tưởng của Vai-tơ-rinh, chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản của Pru-đông, đến chủ nghĩa vô Chính phủ của Ba-cu-nin, từ chủ nghĩa của người trong Đảng xã hội dân chủ Đức; chống lại các trào lưu phi vô sản như chủ nghĩa Sô-vanh, chủ nghĩa cơ hội “hữu” khuynh và “tả” khuynh; chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái, những âm mưu chia rẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. 
 
Cống hiến của Ph.Ăng-ghen đối với phong trào công nhân quốc tế được thể hiện sinh động thông qua 10 năm tồn tại của Quốc tế I và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế cho đến tận cuối đời. Sau khi Quốc tế I ngừng hoạt động, rồi Quốc tế II ra đời, vấn đề thống nhất phong trào công nhân quốc tế, đặc biệt là sự thống nhất tư tưởng của phong trào được Ph.Ăng-ghen hết sức quan tâm. Ông đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết chống những khuynh hướng tư tưởng ảnh hưởng xấu đến phong trào công nhân, nhất là đấu tranh chống chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa vô chính phủ, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân.
 
Khi đánh giá công lao to lớn của Ph.Ăng-ghen đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, V.I.Lê-nin viết: “Sau bạn ông là C.Mác, Ph.Ăng-ghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền C.Mác và Ph.Ăng-ghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Ph.Ăng-ghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của C.Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”.
 
Ph.Ăng-ghen mất ngày 5-8-1895 ở Luân Đôn, thi hài sau đó được hỏa táng và thủy táng xuống biển.
 
A.T (Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)