04:10, 31/10/2019

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 5

Trưa 31-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 4 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà về việc ứng phó với bão số 5 và hoàn lưu sau bão.

 

Trưa 31-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 4 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà về việc ứng phó với bão số 5 và hoàn lưu sau bão.

 

Theo đó, bão số 5 đi vào đất liền các tỉnh Bình Định và Phú Yên. Tại Bình Định, bão đã làm 144 nhà bị sập, hơn 2 km kè biển bị hỏng làm 13 nhà bị cuốn trôi, hàng nghìn cây xanh bị gãy, đổ. Sóng biển lớn cũng khiến cho 7 tàu vận tải/70 thuyền viên tại cảng Quy Nhơn bị trôi, 70 tàu cá vừa và nhỏ neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn bị đứt neo, bị dồn xô, va đập. Ước thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng. Tại Phú Yên, bão đã làm 20 thuyền (công suất dưới 20 CV) bị hư hỏng, 14 nhà bị sập hoàn toàn, 18 nhà bị thiệt hại từ 30-50%, 2.000 m3 đất đá bị sạt lở, 72 xã bị mất điện (đã khắc phục được 11 xã).

 

Tại Khánh Hòa, tính đến 9 giờ ngày 31-10, Quốc lộ 27C bị sạt lở khối lượng 750m3, đơn vị quản lý đã dọn dẹp, thông tuyến; 54 ao, đìa, 10 lồng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại tại Vạn Ninh; khoảng 50ha lúa mùa bị ngập. Địa phương đang tập trung cùng với người dân khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất.

 

Người dân xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh kiểm tra lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Người dân xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa kiểm tra lồng bè nuôi trồng thủy sản.

 

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc ứng phó với bão số 5, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia. Nhiệm vụ cần phải tập trung lúc này là hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, điện, đường, trường học, các cơ sở y tế, các công trình đê, kè bị ảnh hưởng, hư hỏng. Ngoài ra, theo cơ quan chuyên môn, hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, do vậy cần tiếp tục thực hiện tốt công tác di dời dân tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

 

H.Đ