10:10, 29/10/2019

Bài 3: Kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.

 

Bài 3: Kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.


- Xin ông chia sẻ sự quan tâm của tỉnh đối với công tác phát triển đảng trong DNTN thời gian qua và kết quả đạt được?

 


- Xây dựng, phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế này. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy huyện, thị xã, thành phố; Đảng ủy Khối DN tỉnh; cấp ủy xã, phường, thị trấn, DN và tổ chức đoàn thể các cấp thực hiện công tác phát triển đảng, đoàn thể ở đơn vị kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, định hướng triển khai thực hiện. Bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc; hoạt động ngày càng đi vào nề nếp, tuân thủ theo quy chế, quy định.


Tính đến tháng 6-2019, Đảng bộ tỉnh đã phát triển 126 tổ chức đảng và 2.093 đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân; trong đó, có 9 tổ chức đảng đặc thù.


- Là người luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác phát triển đảng trong các DNTN, ông nhận thấy việc phát triển đảng trong DNTN còn những khó khăn gì? Vì sao còn nhiều DN chưa mặn mà với công tác phát triển đảng?


- Hiện nay, không ít chủ DNTN còn e ngại, chưa thống nhất cao việc xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và kết nạp đảng viên tại DN. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ DN sợ việc hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể ảnh hưởng đến thời gian, năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; một số DN sử dụng lao động thời vụ, bán thời gian… nên lực lượng lao động không ổn định; quy mô nhiều DNTN còn nhỏ, chủ yếu là thành viên trong gia đình, họ hàng, bạn bè, chưa nhận thức đầy đủ về Đảng, ngại tham gia các đoàn thể chính trị - xã hội. Nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân còn bị động, chưa thật sự đột phá quyết liệt.


Đối với những DNTN đã có tổ chức đảng và các đoàn thể, khó khăn chủ yếu xoay quanh vấn đề như sau: Vai trò lãnh đạo và chất lượng hoạt động của chi ủy, chi bộ còn hạn chế, nhất là nề nếp sinh hoạt định kỳ ở một số tổ chức đảng chưa đều, nội dung sinh hoạt chưa đảm bảo, còn biểu hiện hình thức, chưa thực chất; mối quan hệ giữa cấp ủy với chủ DNTN (chưa là đảng viên) còn vướng mắc, chưa thực sự xây dựng được lòng tin giữa hai bên nên ảnh hưởng hoạt động của tổ chức đảng. Vai trò, vị thế của một số tổ chức đảng trong DNTN chưa thể hiện là hạt nhân chính trị, chưa tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sự phát triển bền vững của đơn vị, nên chưa được chủ DN và người lao động (NLĐ) tín nhiệm. Hoạt động của tổ chức công đoàn, chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên còn có mặt hạn chế, chưa mang lại lợi ích thiết thực, thỏa đáng cho NLĐ và quá trình sản xuất, kinh doanh của DNTN.


- Xin ông cho biết những định hướng chỉ đạo, các giải pháp để nâng cao công tác phát triển đảng trong các DNTN trong thời gian tới?


- Để nâng cao công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các DNTN đạt hiệu quả, chúng ta cần thực hiện đồng bộ và kiên trì một số nội dung trọng tâm sau đây:


Thứ nhất, cấp ủy cấp huyện, Đảng ủy Khối DN tỉnh, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các cơ quan liên quan nghiên cứu các nội dung tại Chỉ thị số 33 ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, lồng ghép với các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy để cụ thể hóa việc thực hiện tại địa phương, đơn vị mình; trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, áp dụng công nghệ thông tin, cách làm mới; đảm bảo phù hợp với nhiều đối tượng.


Thứ hai, mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ đảng, đoàn thể trong đơn vị kinh tế tư nhân (không ảnh hưởng thời gian sản xuất); tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong Đảng, đơn giản hóa các thủ tục như báo cáo, hội họp...; cần áp dụng các phương tiện thông tin hiện đại để nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành hoạt động; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các tổ chức đảng mới thành lập từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.


Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ đội ngũ cộng tác viên làm công tác phát triển đảng, đoàn thể trong các DNTN, nhất là cộng tác viên đảm nhiệm vai trò bí thư đảng bộ, chi bộ nòng cốt đặc thù nhằm tạo điều kiện hơn nữa để các tổ chức đảng nòng cốt đặc thù hoạt động theo Quy định số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiến tới thành lập tổ chức đảng độc lập trong các DNTN.


Thứ ba, Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật lao động có liên quan đến NLĐ và DN (tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cải cách thủ tục hành chính…).


Thứ tư, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, kiểm tra kết quả thực hiện Nghị định số 98 ngày 24-10-2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại DN thuộc mọi thành phần kinh tế, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; chủ động, tích cực đề xuất với Ban Chỉ đạo phát triển đảng, đoàn thể trong DNTN của Tỉnh ủy biện pháp thực hiện hiệu quả công tác phát triển đảng, đoàn thể trong các DNTN trong thời gian đến.


Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công; tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại; bổ sung, kiện toàn các quy định, chính sách để tạo ra môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh cho các thành phần kinh tế hoạt động, đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo giải quyết kịp thời các bức xúc, kiến nghị thỏa đáng của DN, NLĐ.


Thứ năm, MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên phát huy tốt chức năng, vai trò của mình; chủ động tuyên truyền đoàn viên, hội viên tuân thủ nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế của DN. Qua đó, giúp NLĐ nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, vệ sinh an toàn lao động, nắm vững và hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.


Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn chủ động phối hợp với các cấp ủy địa phương khảo sát tình hình, kết quả công tác phát triển công đoàn, đoàn thanh niên trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các DNTN sản xuất, kinh doanh ổn định, qua đó có biện pháp, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp, tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.


Thứ sáu, cộng đồng DN tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ - dám làm, tăng cường giao lưu, hợp tác với khu vực và thế giới để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng nguồn lực (tài chính, nhân lực, quy trình sản xuất, cách thức quản lý, trang thiết bị…), chủ động thực hiện các khâu đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, không ngừng tăng trưởng và lớn mạnh, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường; đồng thời, phải chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ trong DN.


 Phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các DNTN là vấn đề khó, chúng ta phải vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm, lấy thực tiễn bổ sung vào lý luận. Nhưng tôi tin tưởng, với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cùng toàn thể NLĐ, công tác phát triển đảng trong các DNTN trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước tiến vững chắc, hiệu quả trong thời gian đến.


- Xin cảm ơn ông!


NAM DU (Thực hiện)