09:10, 29/10/2019

Công điện khẩn của UBND tỉnh Khánh Hòa

Chiều 29-10, UBND tỉnh Khánh Hòa có công điện khẩn gửi các địa phương, sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan về việc triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

 

Chiều 29-10, UBND tỉnh Khánh Hòa có công điện khẩn gửi các địa phương, sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan về việc triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), bão, mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

 

Công điện yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan: Theo dõi chặt chẽ và tăng cường thông tin về diễn biến ATNĐ, bão, mưa lũ đến người dân để chủ động phòng tránh; tiếp tục rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền; thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với tàu vận tải và du lịch). Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nơi tránh trú, không để tàu thuyền hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu hành trên biển trong thời gian có mưa, bão, lũ xảy ra. Tổ chức hướng dẫn di chuyển, gia cố lồng, bè bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản. Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng người dân khi có mưa lớn xảy ra. Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động kinh tế, du lịch trên các đảo và ven biển, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào. Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng. Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn.

 
Áp thấp  sẽ mạnh lên thành bão trong 12 giờ tới

Áp thấp sẽ mạnh lên thành bão trong 12 giờ tới

 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh: Phối hợp với các lực lượng liên quan sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn tàu, thuyền trên biển; ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp khi bão đổ bộ vào địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn khi có bão đổ bộ. Có phương án bảo đảm an ninh, trật tự xã hội khi có bão.


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thực hiện vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, căn cứ tình hình vùng hạ du nhằm chủ động vận hành, tích nước hợp lý đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du, không gây lũ nhân tạo do xả lũ hồ chứa, triển khai các biện pháp bảo vệ đảm bảo an toàn công trình hồ đập và công trình thủy lợi.


Sở Xây dựng: Tăng cường kiểm tra, rà soát đánh giá mức độ an toàn của các dự án, công trình xây dựng (đặc biệt đối với các dự án, công trình xây dựng tại các khu vực đồi núi); chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng công trình thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình đang thi công, không để ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.


Sở Du lịch: Phối hợp với các địa phương chỉ đạo các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở lưu trú triển khai phương án ứng phó bão, mưa lũ, thường xuyên thống kê số du khách đang lưu trú tại các khu du lịch, các khu nghỉ dưỡng, chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách (đặc biệt các khu du lịch biển đảo).


Sở Giao thông vận tải: Tổ chức kiểm tra các công trình cầu, đường trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương liên quan kiểm đếm các phương tiện vận tải thủy, kiểm tra việc neo đậu tàu, thuyền tại các khu neo đậu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu và thay thế khi cầu, đường có sự cố hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch.


Các sở, ngành, đơn vị liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai tại đơn vị.


Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh theo Quyết định phân công quản lý địa bàn của Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh về các địa phương để phối hợp triển khai công tác chỉ đạo ứng phó trong thời gian xảy ra bão, mưa lũ.


Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và thường xuyên báo cáo công tác chỉ đạo triển khai phòng, chống bão về Ban Chỉ  huy PCTT-TKCN tỉnh.