11:03, 13/03/2019

Gạc Ma - khúc tráng ca tháng Ba

Những ngày này, ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) luôn có nhiều người dân, du khách, trong đó có cả thân nhân, đồng đội của 64 chiến sĩ Gạc Ma tới thăm viếng, thắp nén nhang tưởng nhớ đến các liệt sĩ. 
 
 

 

Những ngày này, ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) luôn có nhiều người dân, du khách, trong đó có cả thân nhân, đồng đội của 64 chiến sĩ Gạc Ma tới thăm viếng, thắp nén nhang tưởng nhớ đến các liệt sĩ. 

 

Nhiều cơ sở đoàn thanh niên  tới thăm viếng, làm lễ kết  nạp đoàn viên mới tại  Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Nhiều cơ sở đoàn thanh niên tới thăm viếng, làm lễ kết nạp đoàn viên mới tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
 
Ngay từ sáng sớm của những ngày tháng Ba, nhiều đoàn khách đã tới dâng hương tại tượng đài Những người nằm lại phía chân trời ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Tại đây, chúng tôi đã gặp ông Trương Văn Cảnh (anh trai của liệt sĩ Trương Văn Thịnh - hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma) mới đến từ TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông Cảnh chia sẻ: “Nhà tôi có 8 anh em, Thịnh là em thứ 6. Sự ra đi của Thịnh là mất mát lớn của gia đình. Từ ngày có khu tưởng niệm, gia đình tôi như được an ủi phần nào vì sự hy sinh của em và đồng đội đã được Tổ quốc ghi nhận, tôn vinh. Do bố mẹ tôi đã già yếu nên năm nào, cứ đến ngày giỗ em, tôi lại vào đây thăm viếng, thắp hương cho em trai và các đồng đội của em”. 
 
Trong dòng người tới thăm viếng các liệt sĩ Gạc Ma, chúng tôi cũng gặp mẹ con chị Đỗ Thị Hà (ở phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh), vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh. Bên di ảnh của chồng được treo trang trọng ở bảo tàng ngầm, chị đăm đăm nhìn, rồi khóc òa. Chị Hà cho biết: “Khi khu tưởng niệm hoàn thành, tôi vô cùng xúc động bởi gia đình có cảm giác được gần anh Doanh hơn. Nhìn tượng đài uy nghi, lòng tôi ấm áp hơn rất nhiều, nỗi buồn cũng vơi đi”.
 
Khi mặt trời đã khuất sau dãy núi, khu tưởng niệm lên đèn, chúng tôi bắt gặp một phụ nữ cầm bó hoa tươi thắm đến khu tưởng niệm. Đó là chị Trần Thị Thủy, con gái Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Văn Phương - người đã hy sinh khi bảo vệ lá cờ chủ quyền tại Gạc Ma. Bên khu mộ gió, chị lặng lẽ thắp nén nhang cho bố và những đồng đội của bố. Chị thầm khấn: “Bố ơi, con rất tự hào về bố. Bố và các chú là tấm gương sáng để chúng con tiếp bước, noi theo. Ở nơi xa, bố và các chú hãy phù hộ cho chúng con và đất nước luôn được bình an, bố nhé!”… 

 

Chị Trần Thị Thủy thắp hương cho cha và các anh hùng, liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Chị Trần Thị Thủy thắp hương cho cha và các anh hùng, liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
 
Vào đúng ngày này cách đây 31 năm, ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma. Hôm nay, tròn 31 năm từ cuộc chiến bi hùng ấy, vòng tròn bất tử Gạc Ma vẫn luôn được nhắc không chỉ trong ngày đặc biệt này, mà sẽ mãi là ký ức không bao giờ phai mờ, hun đúc trong mỗi người dân Việt tinh thần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. 
Ông Võ Duy Trúc - Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh, Trưởng ban Quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cho biết, kể từ ngày khánh thành và đưa vào hoạt động (năm 2017) đến nay, khu tưởng niệm đã đón hơn 1.400 đoàn với hơn 79.000 lượt khách tới thăm, viếng. Đặc biệt, khu tưởng niệm đã trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Đến nay đã có hơn 150 đoàn trường học đến đây. Tại đây, các học sinh, sinh viên được trò chuyện với các cựu chiến binh, nghe kể về trận chiến Gạc Ma hào hùng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức chọn khu tưởng niệm làm lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên mới. Các doanh nghiệp kết nối tổ chức tour đưa hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan. 
 
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 hoàn thiện khu tưởng niệm. Đồng thời, kiện toàn, xây dựng mô hình hoạt động, quản lý bài bản để phục vụ nhân dân và du khách được chu đáo hơn”, ông Trúc cho hay. 
 
VĂN GIANG