07:03, 15/03/2018

Tiếp nối hào khí Gạc Ma

Sáng 14-3, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Sáng 14-3, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Dự lễ có các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Ngọc Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cùng các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND và UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đoàn đại biểu các lực lượng vũ trang của tỉnh và Vùng 4 Hải quân.

 

zzLãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.


Tri ân các anh hùng, liệt sĩ


Trong ánh nắng sớm, tượng đài Những người nằm lại phía chân trời ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma kiêu hãnh trên nền trời xanh. Tiếng nhạc trầm hùng gợi nên trang sử bi tráng trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa ngày 14-3-1988. Các đoàn đại biểu lần lượt đặt vòng hoa, dâng hương các liệt sĩ; tham quan khu tưởng niệm. Nhìn những hình ảnh tư liệu về cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988, di ảnh các liệt sĩ (phần lớn ở lứa tuổi hai mươi) hy sinh năm ấy, ai cũng xúc động, cảm phục tinh thần “quyết tử” trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. 

 

Đoàn viên, thanh niên nắm tay nhau quanh Vòng tròn bất tử của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Đoàn viên, thanh niên nắm tay nhau quanh Vòng tròn bất tử của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.


Sau lễ dâng hương, ông Nguyễn Tấn Tuân đã đến thăm gia đình chị Trần Thị Thủy - con gái liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương - người đã hy sinh khi bảo vệ lá cờ chủ quyền tại Gạc Ma. Ông Nguyễn Tấn Tuân đã bày tỏ sự tri ân về sự hy sinh của liệt sĩ Trần Văn Phương, đồng thời mong muốn gia đình tiếp nối truyền thống anh hùng của thế hệ đi trước. “Liệt sĩ Trần Văn Phương đã trở thành thần tượng của thế hệ trẻ chúng tôi ngày ấy. Gương hy sinh anh dũng của anh đã tác động không nhỏ đến ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của thế hệ trẻ”, ông Nguyễn Tấn Tuân tâm sự.

 

Đoàn viên, thanh niên dâng hương các liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988.

Đoàn viên, thanh niên dâng hương các liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988.


Nhiều người dân địa phương cũng đến viếng các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong việc bảo vệ chủ quyền Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao ở Trường Sa năm 1988.  “Hôm nay tròn 30 năm ngày 64 cán bộ, chiến sĩ ngã xuống nên vợ chồng tôi đến thắp nén hương cho các anh. Mong rằng ở nơi xa kia, các anh sẽ yên nghỉ, Tổ quốc và nhân dân sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của các anh”, bà Lê Thị Chúc (thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây, Cam Lâm) chia sẻ.


Bên tượng đài Những người nằm lại phía chân trời, chúng tôi còn gặp nhiều người lính về dâng hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống ở Trường Sa tháng 3-1988. Một trong số đó là nhạc sĩ Đào Sơn - nguyên Phó Trưởng đoàn văn công pháo binh, hiện nay sống tại TP. Hồ Chí Minh. “Năm 2017, anh Lâm Quang Nới - tác giả tượng đài có gợi ý tôi viết một ca khúc để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sa. Tôi đã nghiền ngẫm 3 tháng trời để viết nên ca khúc Chân trời bất tử. Hôm nay, tôi đến đây dâng ca khúc này thay cho lời khấn viếng hương hồn các liệt sĩ, thể hiện sự tri ân với sự hy sinh của các anh”, ông Sơn bày tỏ.


Tiếp lửa cho thế hệ trẻ


Cũng trong sáng 14-3, Tỉnh đoàn Khánh Hòa tổ chức lễ dâng hương tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo của Tổ quốc và tổ chức kể chuyện truyền thống nhân 30 năm sự kiện 14-3-1988. Hơn 200 đoàn viên, thanh niên của tỉnh và Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân đã được nghe Thượng tá Vũ Duy Khánh - Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 kể về diễn biến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988; gương hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ. Đặc biệt, câu chuyện về sự bình tĩnh, mưu trí của thuyền trưởng tàu HQ 505 khiến mọi người rất xúc động. “Sự hy sinh của các anh đã góp phần làm nên giá trị thiêng liêng của non sông đất nước. Tại nơi tưởng niệm thành kính này, chúng ta luôn tưởng nhớ và mong sao các anh linh chứng giám, tiếp thêm cho dân tộc ta, quân đội ta sức mạnh; cho thế hệ trẻ chúng ta ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn tới những thành công mới”, Thượng tá Khánh bày tỏ.

 

Chiến sĩ hải quân xem hình ảnh tư liệu về bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa.
Chiến sĩ hải quân xem hình ảnh tư liệu về bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa.


Trong không khí linh thiêng của lễ tưởng niệm, anh Nguyễn Chí Anh - Bí thư Thành đoàn Nha Trang tâm sự: “Hôm nay, chúng tôi có mặt ở đây để bày tỏ sự tri ân đối với lớp người đi trước. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn bày tỏ thông điệp sẵn sàng tiếp nối cha anh để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tuổi trẻ Khánh Hòa sẽ bằng những hoạt động thiết thực để thể hiện tình yêu Tổ quốc và tinh thân yêu nước cháy bỏng”. 


Năm tháng trôi qua, nhưng tấm gương hy sinh của những người con đất Việt trong sự kiện Gạc Ma vẫn được thế hệ trẻ khắc ghi. Mỗi câu chuyện, mỗi tấm gương như hun đúc thêm lòng can trường cho thế hệ trẻ. Có mặt tại buổi lễ, chiến sĩ Lê Lâm Minh (Lữ đoàn 146) cho biết: “Tôi mới vào quân ngũ được 1 năm. Được nghe những câu chuyện về các thế hệ đi trước đã hy sinh để bảo vệ Trường Sa thân yêu, tôi càng thấy thêm yêu Tổ quốc mình. Sự hy sinh của các chiến sĩ ở sự kiện ngày 14-3-1988 là tấm gương để thế hệ chúng tôi tiếp bước, tô đậm thêm truyền thống anh hùng của Hải quân Việt Nam. Với trách nhiệm của người lính, chúng tôi nguyện đi bất cứ nơi đâu, sẵn sàng hy sinh cho nền độc lập dân tộc”.


30 năm trước, ngày 14-3-1988, máu của những chiến sĩ hải quân đã hòa vào lòng biển sâu để tô thắm lá cờ Tổ quốc, quyết giữ biển đảo thiêng liêng. Hào khí ấy vẫn được trao truyền đến thế hệ trẻ hôm nay. Lòng yêu nước tiếp tục chảy trong mạch nguồn dân tộc như hàng ngàn năm qua.


XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM