01:02, 17/02/2018

Kỳ thú công viên đá cảnh

Mới được lập chưa đầy một năm, công viên đá cảnh bán quý của anh Lê Quang Thủy ở Khu đô thị mới Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang đã được đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.

Mới được lập chưa đầy một năm, công viên đá cảnh bán quý của anh Lê Quang Thủy ở Khu đô thị mới Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang đã được đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Điểm độc đáo đối với khách tham quan khu trưng bày này không chỉ là sự cuốn hút bởi những nét đẹp mượt mà đầy vân sắc của hàng trăm viên đá cảnh kích thước lớn mà còn được nghe chủ nhân trải lòng về đam mê, sự cảm thụ về thú chơi này.

Viên đá nhỏ, khởi nguồn đam mê


Dưới ánh nắng đầu Xuân, rảo bước tản bộ trên đường Phạm Văn Đồng, ngang qua Khu đô thị mới Vĩnh Hòa, ánh mắt của chúng tôi chợt chạm phải những tia sáng lấp lánh muôn màu đầy mê hoặc do ánh mặt trời phản chiếu qua hàng trăm viên đá cảnh nhẵn bóng được trưng bày ở một công viên nhỏ bên đường. Không phải là dân chơi đá, nhưng dường như lập tức chúng tôi bị cuốn hút trước vẻ đẹp của không gian nghệ thuật nơi đây, với hàng trăm viên đá lớn có vân sắc đa dạng, muôn màu đặt dưới những gốc cây cổ thụ.

 

Anh Thủy  (bìa phải)  giới thiệu về  công viên đá.

Anh Thủy (bìa phải) giới thiệu về công viên đá.

 


Thấy khách vào tham quan, anh Lê Quang Thủy - chủ nhân của công viên đặc biệt này nhiệt tình dẫn chúng tôi đến từng viên đá và giới thiệu về chủng loại, nguồn gốc cũng như những triết lý liên quan đến “danh phận” của nó. Anh Thủy chia sẻ: “15 năm trước, tôi được người thầy dạy môn cảm xạ học tặng một viên đá Tectit nhỏ, màu đen. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy viên đá này có sự cuốn hút rất đặc biệt và từ đó tôi trân quý, luôn giữ nó bên mình. Sau đó, khi đến nhiều nơi ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nghe có ai sưu tầm đá quý, đá cảnh có tiếng là tôi tìm đến tận nơi. Và khi gặp họ, được chiêm ngưỡng tác phẩm và nói chuyện với họ, tôi cảm thấy vô cùng thích thú và có sự cuốn hút rất đặc biệt với thế giới đá quý, đá cảnh. Và cứ thế, tình yêu của tôi dành cho đá cứ lớn dần lên!”.


Đến ý tưởng lập công viên đá


Anh Thủy vốn là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và khách sạn; ngoài việc kinh doanh, suốt 15 năm qua, anh dồn không ít công sức, tiền bạc để săn tìm các loại đá bán quý nhằm thỏa niềm đam mê và theo đuổi mục tiêu lập nên công viên đá cho bất kỳ ai cũng có thể đến tham quan, chiêm ngưỡng. Đến đầu năm 2017, ý tưởng của anh đã thành hiện thực sau khi anh mua được hơn 2.000m2 đất ở Khu đô thị mới Vĩnh Hòa, rồi chuyển hơn 500 viên đá thô mà anh đã mua và trực tiếp khai thác ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Nghệ An, Yên Bái về đây để đánh bóng, trưng bày. Hiện tại, anh chia khu đất này ra làm hai phần, trong đó dành 1.200m2 làm khu trưng bày 240 tác phẩm đã hoàn thiện, phần còn lại làm bãi chứa đá thô và cũng là nơi để những người thợ chế tác. Gọi là chế tác, nhưng điểm độc đáo là toàn bộ những viên đá nơi đây chỉ được những người thợ làm sạch rồi đánh bóng để làm nổi bật vân sắc của đá, chứ không hề có sự đục đẽo, chạm khắc. Bởi thế, khi đã thành phẩm, những viên đá vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu, với vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Trịnh - người thợ làm đẹp và “chăm sóc” cho đá tại công viên này, vì toàn bộ số đá nơi đây có kích thước rất lớn, có viên nặng hàng chục tấn nên để làm bóng được một viên đá có thể mất vài tháng. Vì thế, để có được hơn 200 tác phẩm trưng bày hiện tại, hơn 20 người thợ phải lao động miệt mài suốt gần một năm qua.

 

Tác phẩm “Sứ mệnh” với hình bản đồ Việt Nam ở giữa, gây ấn tượng với khách tham quan.

Tác phẩm “Sứ mệnh” với hình bản đồ Việt Nam ở giữa, gây ấn tượng với khách tham quan.


Từng viên đá  có một “danh phận” 


Thời gian qua, công viên đá của anh Thủy đã có rất nhiều người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Cũng đã có những người hỏi mua một số tác phẩm với giá rất cao, nhưng anh Thủy nhất quyết không bán. “Tôi thấy mình là một người may mắn vì việc kinh doanh thuận lợi lại vừa có tình yêu nghệ thuật rất lớn. Trong thế giới nội tâm của tôi, hai điều này kết hợp với nhau nhuần nhuyễn. Chứ nếu tôi chỉ có đam mê đá mà việc làm ăn không thuận thì không thể có điều kiện để mua những viên đá này. Ngược lại nếu là một người kinh doanh thuần túy, tập trung quá nhiều vào việc kiếm tiền thì tâm hồn không còn chỗ cho niềm đam mê sưu tầm đá. Vì thế, khi bàn về đá, tôi chỉ muốn nói đến riêng cái nét đẹp, cái giá trị nghệ thuật của nó”, anh Thủy bộc bạch. 

 

Tác phẩm “Niềm tin”.

Tác phẩm “Niềm tin”.


Theo anh Thủy, dòng đá đang sưu tập chủ yếu là Cancedon và mã não, nó thuộc dòng ô xít silic, có đặc điểm cấu tạo phân tử không định hình nhất định, khôngđồng đều nên có vân sắc rất đa dạng nên mỗi viên có cái đẹp riêng của nó. Và một điều đặc biệt là 240 viên đá đang được trưng bày đều đã được anh đặt tên, chẳng hạn: hành động, tri ân, trân trọng, niềm tin, đam mê, biết ơn, mẹ thiên nhiên, trách nhiệm, tình yêu, hạnh phúc, âm, nhạc, dũng cảm… Anh quan niệm rằng, mỗi cái tên là một từ khóa có khả năng góp phần làm thay đổi cuộc sống con người, bởi nó thể hiện tính thiện, sự trân trọng thế giới tự nhiên, sự vươn lên của mỗi người. “Tôi luôn tâm niệm, những viên đá này đến được với mình là nhờ vào nhân duyên. Tôi đặt danh phận cho từng viên đá và viết các câu danh ngôn của các bậc vĩ nhân trên thế giới để mọi người có thể hiểu sâu về tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người. “Thiên nhiên không phải nơi để đến thăm. Đó là nhà”. Tôi chỉ mong khi người ta ngắm nhìn vẻ đẹp của đá, sẽ suy ngẫm về triết lý cuộc sống để rồi điều chỉnh tâm hồn mình cân bằng hơn”, anh Thủy chia sẻ.


THẾ ANH