11:07, 21/07/2019

Hướng dẫn sử dụng phiếu tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động

Ngày 17-10-2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 17 quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp (DN), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. 

Ngày 17-10-2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) ban hành Thông tư số 17 quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp (DN), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Theo đó, người sử dụng lao động phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất một lần trong năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ. Thời gian tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động quyết định. Thời kỳ tự kiểm tra là từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra.


Các nội dung tự kiểm tra pháp luật lao động bao gồm: việc thực hiện báo cáo định kỳ; việc tuyển dụng và đào tạo lao động; việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; việc trả lương cho người lao động; việc tổ chức, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; việc thực hiện các quy định đối với lao động nữ, lao động là người cao tuổi, người khuyết tật, người nước ngoài, lao động chưa thành niên; việc xây dựng và đăng ký nội quy lao động; xử lý kỷ luật lao động, bồi thường trách nhiệm vật chất; việc tham gia và trích đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hàng tháng cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia; việc giải quyết tranh chấp và khiếu nại về lao động.


Thực hiện thông tư, trong thời gian qua, đã có một số DN trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện việc tự kiểm tra online. Cụ thể, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH hướng dẫn DN sử dụng phiếu tự kiểm tra online theo các bước như sau:


Bước 1: Đăng nhập trang thông tin điện tử http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn.


Bước 2: Đăng ký thông tin DN tại mục “đăng ký tài khoản” (chú ý: mục “cơ quan chủ quản” và “trụ sở” nếu không có nhập chữ “không”). Nhấn “lưu thông tin” tại cuối trang hoặc nhấn “quay lại” nếu thông tin chưa chính xác. Ghi nhớ mật khẩu để tiếp tục đăng nhập cho lần sau (đăng nhập: username “mã số thuế của cơ sở” password). Trong quá trình thực hiện, khi quên “mật khẩu” thì liên hệ Thanh tra Sở LĐ-TB-XH để được cấp lại.


Bước 3: Căn cứ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, người sử dụng lao động lựa chọn tải một (1) hoặc nhiều phiếu tự kiểm tra làm nội dung tự kiểm tra (ví dụ: xây dựng, du lịch, cơ khí…).


Bước 4: Thành lập đoàn tự kiểm tra của DN; tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả theo phiếu (không bỏ sót nội dung).


Bước 5: Nhấn mục “báo cáo kết quả tự kiểm tra” chọn phiếu, chọn mẫu phiếu (chọn mẫu phiếu đã tải và đánh giá ở bước 3 và bước 4).


Bước 6: Nhập thông tin theo phiếu “kiểm tra phiếu”, “lưu phiếu” và “nộp phiếu”.


Bước 7: Nhận “Kết quả phiếu”, khắc phục các kiến nghị theo khuyến cáo và báo cáo kết quả từ bước 5 cho lần đăng nhập sau.


Cơ sở có nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn thực hiện theo nhiều mẫu phiếu, tiếp tục thực hiện bước 5 và bước 6.


Hồ sơ tự kiểm tra gồm: phiếu tự kiểm tra, kết luận tự kiểm tra, văn bản thành lập đoàn tự kiểm tra của DN và các tài liệu, hồ sơ phát sinh trong quá trình tự kiểm tra phải được lưu giữ trong hồ sơ quản lý DN.


Sau khi DN hoàn thành việc tự kiểm tra online, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH sẽ xem, kiểm tra nội dung các phiếu tự kiểm tra do DN khai, có phản hồi trực tuyến. Khi nhận thông tin phản hồi trực tuyến từ Thanh tra Sở, DN triển khai và phản hồi thông tin phiếu, đính kèm các tệp thông tin chứng minh (bản scan, word…) theo các trình tự của trang web.


Các nội dung khai báo trong phiếu tự kiểm tra liên kết chặt chẽ với nhau, nếu DN khai không đúng sẽ phát sinh mâu thuẫn. Đặc biệt, báo cáo của DN có sự đồng ý của đại diện người lao động trong DN. Việc báo cáo tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động là công cụ giúp cơ quan quản lý lao động thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lao động, dù không trực tiếp thanh tra tại các DN mà vẫn đánh giá được tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các DN, đồng thời ngành LĐ-TB-XH sẽ có những hỗ trợ giúp DN khắc phục và thực hiện tốt hơn các nội dung liên quan pháp luật lao động.


NGUYỄN THỊ THANH HOA
(Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)