11:07, 19/07/2019

Giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên từ 1-7-2020

Đây là nội dung nổi bật tại Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2019.

Đây là nội dung nổi bật tại Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2019.


Cụ thể, theo quy định mới thì “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.


Trong khi, hiện hành Luật Giáo dục 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.


Như vậy, kể từ ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực (ngày 1-7-2020) thì giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên như quy định tại Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011.


Có thể thấy, quy định mới này được thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.


Được nghỉ hưu ở tuổi 35 nếu đáp ứng đủ các điều kiện


Trong trường hợp bình thường, người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được nghỉ hưu lúc 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam.


Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, tuổi nghỉ hưu được giảm xuống mức thấp hơn, như là: người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.


Như vậy, nếu người lao động làm việc từ năm 15 tuổi, có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được nghỉ hưu ở tuổi 35.


Không bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô công có thể bị phạt đến 50 triệu đồng


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.


Theo đó, tổ chức đã được cấp có thẩm quyền giao dự toán bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định của pháp luật nhưng không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản dẫn đến tài sản bị hư hỏng thì:


- Bị phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên và tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.


(Hiện hành, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng trong trường hợp tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp).


- Phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng trong trường hợp  tài sản có giá trị dưới 50 triệu đồng.


- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.


Hiện hành, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng trong trường hợp tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng.


Nghị định 63/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực ngày 1-9-2019.


T.K