11:07, 19/07/2019

Tìm lại nụ cười cho trẻ

Sinh ra không may bị sứt môi, hở hàm ếch là điều kém may mắn của nhiều trẻ. Đáng mừng là từ sự quan tâm của cả xã hội, nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã được phẫu thuật để có được một cuộc sống bình thường như bao trẻ khác…

Sinh ra không may bị sứt môi, hở hàm ếch là điều kém may mắn của nhiều trẻ. Đáng mừng là từ sự quan tâm của cả xã hội, nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã được phẫu thuật để có được một cuộc sống bình thường như bao trẻ khác…


Một nỗi đau chung


Không may mắn như các bạn cùng trang lứa, từ khi còn trong bụng mẹ, em Trần Bảo Sa (sinh năm 2009, trú phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) đã bị dị tật ở vùng hàm mặt. Chị Lê Bảo Sương - mẹ cháu Sa tâm sự: “Vợ chồng tôi từng có suy nghĩ bỏ thai nhưng bác sĩ trấn an, nếu sau khi sinh gia đình đưa cháu đi phẫu thuật thì cháu sẽ bình thường trở lại nên tôi cũng yên tâm”.

 

Em Trần Bảo Sa sau khi được phẫu thuật.

Em Trần Bảo Sa sau khi được phẫu thuật.


Với anh Nguyễn Khắc Hòa (31 tuổi) và chị Võ Thị Cẩm Diện (27 tuổi), ở thôn Tân Bình, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, niềm vui chưa kịp nhen nhóm đã vụt tắt ngay từ khi cậu con trai đầu lòng Nguyễn Gia Bảo (sinh năm 2017) chào đời. Em sinh ra với khuôn mặt hở hàm ếch, khe hở môi, xương hàm dưới dài hơn xương hàm trên… Anh Hòa nhớ lại, khi bế đứa con trai đỏ hỏn trên tay, anh rớt nước mắt thương con không được lành lặn; còn vợ anh suy sụp hoàn toàn, chị phải nằm lại bệnh viện gần cả tháng.


Dị tật sứt môi xảy ra khi môi được hình thành vào giữa tuần lễ thứ 4 và thứ 5 của thai kỳ. Hở hàm ếch xảy ra khi hàm trên được hình thành vào giữa tuần thứ 7 và tuần thứ 8. “Nguyên nhân của dị tật sứt môi và hở hàm ếch rất phức tạp, được cho là ảnh hưởng của yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Trong đó, yếu tố môi trường là nguyên nhân chủ yếu, bao gồm môi trường bị ô nhiễm, viêm nhiễm…”, bác sĩ Phạm Hoàng Phong - Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết.


Niềm vui trở lại


Nhằm mang lại nụ cười cho những người kém may mắn, trong năm 2017, 2018, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã phối hợp với Tổ chức Opearation Smile Việt Nam (Tổ chức OSV) hỗ trợ cho 33 trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn tham gia phẫu thuật dị tật vùng hàm mặt với tổng chi phí hơn 125 triệu đồng.

 

Từ năm 1994 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ phẫu thuật cho gần 30.000 lượt trẻ em bị dị tật về môi trong phạm vi toàn quốc, tương ứng với tổng kinh phí hỗ trợ gần 70 tỷ đồng. Năm 2019, Tổ chức Opearation Smile Việt Nam cam kết hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng cho chương trình phẫu thuật dị tật vùng hàm mặt thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Năm 2018, khi biết con mình sẽ được xếp lịch phẫu thuật tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh, chị Sương rất vui mừng. Chị chia sẻ: “Cuộc sống của vợ chồng tôi chỉ đắp đổi qua ngày từ công việc làm thuê của tôi và đi biển của chồng nên lúc nào cũng thiếu trước, hụt sau. Khi nghe tin cháu được phẫu thuật miễn phí, tôi mừng lắm. Lúc đó, vợ chồng tôi hy vọng sau phẫu thuật, cháu ăn uống dễ dàng hơn, sớm phục hồi sức khỏe”.


Với hy vọng con mình sẽ được bình thường như bao đứa trẻ khác, chị Diện bộc bạch: “Con bị tật nên ăn uống khó khăn. Nhờ chương trình mổ miễn phí mà con tôi mới có cơ hội chữa trị. Khi đó, nhìn con vừa phẫu thuật xong, đôi môi lành lặn, sức khỏe tốt, tôi không kìm được nước mắt vì hạnh phúc”. “Từ lúc sinh ra đến giờ, bố mẹ chưa thấy được nụ cười của con, chỉ mong sao các bác sĩ phẫu thuật cho con tôi lành lặn để giúp con tôi tìm lại nụ cười là tôi mãn nguyện lắm rồi”, mẹ em Trần Đức Huy (sinh năm 2010), thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh chia sẻ.


Trong năm 2019, Tổ chức OSV tiếp tục tài trợ phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị dị tật vùng hàm mặt. Các chi phí gồm: tiền đi lại, tiền ăn đối với bệnh nhân lưu lại viện 350.000 đồng/người; hỗ trợ thêm 100.000 đồng chi phí đi lại với những bệnh nhân có khoảng cách từ nhà đến trung tâm hành chính của tỉnh, thành phố trên 40km và 200.000 đồng đối với những bệnh nhân ở xa trung tâm trên 80km. Kinh phí phẫu thuật được Tổ chức OSV chuyển trực tiếp cho bệnh viện. Bà Lưu Thị Ngọc Liên - Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết, đối tượng được hỗ trợ phẫu thuật là trẻ em sứt môi từ 2 tháng tuổi và nặng 4kg trở lên, hở vòm miệng từ 15 tháng tuổi và nặng 10kg trở lên; thanh thiếu niên, người lớn bị khe hở môi, khe hàm ếch; bệnh nhân bị di chứng dị tật khe hở môi, hàm ếch (sẹo môi, thông vòm miệng, dị tật mũi) các độ tuổi; bệnh nhân bị dị tật vùng hàm mặt u sắc tố, u nang, u máu…


THANH TRÚC