10:09, 05/09/2022

Tăng cường điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, nhất là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, số ca nhiễm HIV mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong 8 tháng năm 2022 giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, nhất là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, số ca nhiễm HIV mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong 8 tháng năm 2022 giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.


Nhiều giải pháp


Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 8 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 80 ca mắc HIV mới, giảm 40,3% so với cùng kỳ năm 2021 (ghi nhận 149 trường hợp). Số bệnh nhân tử vong do AIDS là 12 trường hợp (giảm 40%).

 

Truyền thông tuyên truyền về HIV/AIDS tại TP. Nha Trang.

Truyền thông tuyên truyền về HIV/AIDS tại TP. Nha Trang.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ y tế toàn ngành vẫn nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch HIV/AIDS. Trong đó, các hoạt động chính như: Giám sát phát hiện, giám sát trọng điểm HIV/STIs; dự phòng và can thiệp giảm tác hại cho những đối tượng có nguy cơ cao; điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, ngành Y tế còn duy trì mô hình tiếp cận cộng đồng thông qua nhóm giáo dục viên đồng đẳng; tiếp tục phối hợp với các tổ chức có liên quan triển khai dự án nâng cao sức khỏe cuộc sống nhằm thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại của HIV tại 6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)... Nhờ đó, hiệu quả đạt được cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái”.


Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.200 người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi rút (ARV), trong đó có 24 trẻ em. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có bảo hiểm y tế chiếm 89,5%. Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho hơn 18.400 lượt người, qua đó phát hiện 80 người dương tính với HIV. Ngành cũng đã triển khai điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 3 cơ sở, 2 điểm cấp phát thuốc với tổng số hơn 400 bệnh nhân tham gia; đồng thời thực hiện điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cho 100% phụ nữ nhiễm HIV mang thai.


Chị Nguyễn Thu T. (TP. Nha Trang) - thai phụ nhiễm HIV chia sẻ: “Tôi lây nhiễm HIV từ chồng và có điều trị ARV 2 năm nay. Khi biết mình có thai, tôi rất lo lắng, sợ sẽ lây nhiễm cho con. Tuy nhiên, nhờ sự tư vấn của đội ngũ bác sĩ, tích cực tham gia điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con nên con tôi sinh ra khỏe mạnh và không bị nhiễm HIV. Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với vợ chồng tôi”.


Vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng ca nhiễm


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số hơn 1.350 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống. Trong đó, nam giới chiếm hơn 84%, còn lại là nữ giới. Điều đáng lo ngại là nhóm tuổi 20-29 nhiễm HIV chiếm hơn 56%, nhóm 13-19 tuổi chiếm 3,5%; nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm cao nhất với gần 50%. Bác sĩ Tôn Thất Toàn nhận định: “Hình thái lây nhiễm HIV của tỉnh vẫn là các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM; đường lây truyền chủ yếu là đường tình dục. Bên cạnh đó, nguy cơ làm gia tăng ca nhiễm HIV còn tiềm ẩn, nhiều phức tạp do tình trạng nghiện ma túy gia tăng, trong khi các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.


Để giữ vững kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch đã triển khai, tiến tới khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0,3% dân số và nỗ lực giảm số người nhiễm HIV mới; duy trì và đảm bảo chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho hơn 50.000 bệnh nhân. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 (95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người biết tình trạng HIV của mình đang được điều trị; 95% trong số những người đang được điều trị có tải lượng HIV được ức chế và giảm khả năng lây truyền vi rút HIV cho người khác).


Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết: “Bên cạnh những giải pháp nêu trên, số liệu thống kê cho thấy nhóm khách hàng sử dụng PrEP hiện nay khá đa dạng, trong đó có tới 80% là MSM. Phương pháp điều trị này có kết quả rất khả quan về khả năng thích ứng với PrEP của người sử dụng. Vì thế, trong thời gian tới, chương trình điều trị PrEP cho MSM trên địa bàn tỉnh sẽ được đẩy mạnh hơn nhằm góp phần hạn chế thấp nhất số ca nhiễm trong nhóm đối tượng MSM, tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030”.


C.Đan