09:12, 16/12/2020

Hướng tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS vào năm 2030

Kể từ khi người nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện vào năm 1990, đến nay, Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Y tế đã vào cuộc và từng bước kiểm soát được dịch HIV/AIDS, kết quả này đang hướng tới chấm dứt AIDS vào năm 2030.

Kể từ khi người nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện vào năm 1990, đến nay, Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Y tế đã vào cuộc và từng bước kiểm soát được dịch HIV/AIDS, kết quả này đang hướng tới chấm dứt AIDS vào năm 2030.


Phòng, chống HIV/AIDS toàn diện, hiệu quả


Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS và mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã được Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo toàn diện không chỉ ở trong nước mà bằng cả những cam kết chính trị mạnh mẽ trên trường quốc tế. Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

 

Người cai nghiện ma túy uống Methadone tại cơ sở điều trị ở TP. Nha Trang.

Người cai nghiện ma túy uống Methadone tại cơ sở điều trị ở TP. Nha Trang.


15 năm qua, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục được kiểm soát và liên tục giảm trên cả 3 tiêu chí, đó là: Số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong liên quan đến AIDS. Trong giai đoạn 2005 - 2007, trung bình mỗi năm, Việt Nam phát hiện hơn 28.000 trường hợp nhiễm HIV mới; từ năm 2008 - 2012, giảm xuống còn 17.000 trường hợp; từ năm 2012 đến nay, giảm còn 10.000 trường hợp. Theo báo cáo của UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS), trong khu vực, Việt Nam là nước có số ước tính ca nhiễm mới HIV năm 2018 giảm lớn nhất (64%) so với năm 2010. Số ca nhiễm mới HIV của Việt Nam năm 2018 chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số ca nhiễm mới HIV ước tính cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và hơn 200.000 người không bị tử vong do AIDS. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu; tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư ở Việt Nam dưới 0,26%.


Đạt được kết quả nói trên là nhờ Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, có 55 tỉnh, thành phố phát bao cao su miễn phí; 52 tỉnh, thành triển khai chương trình cấp bơm kim tiêm miễn phí cho những người nghiện, người có nguy cơ cao; 63 tỉnh, thành phố điều trị nghiện ma túy bằng Methadone cho hơn 52.000 bệnh nhân. 3 năm gần đây, cả nước đã điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho hơn 13.000 người. Hoạt động tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng, bảo đảm tính sẵn có và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Điều trị ARV cho người lớn và trẻ em, dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con ngày càng được mở rộng, đạt chất lượng. Hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS được thiết lập và ngày càng mở rộng độ bao phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ và duy trì điều trị lâu dài. Cùng với đó, cơ chế tài chính đổi mới mang tính bền vững theo hướng từ phụ thuộc phần lớn vào nguồn lực các dự án quốc tế sang nguồn lực trong nước. Cụ thể, những năm trước, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam phụ thuộc 80% nguồn viện trợ từ nước ngoài, gần đây giảm xuống còn 48% (năm 2019); nguồn tài chính trong nước tăng từ 27% lên 52%. Đồng thời, tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế tăng từ 50% (năm 2015) lên 91% (năm 2019)…


Khánh Hòa thực hiện đồng bộ các giải pháp


10 năm trở lại đây, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Khánh Hòa cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã thoát ra khỏi danh sách tỉnh, thành trọng điểm về dịch HIV/AIDS, trở thành địa phương có số người nhiễm ở mức trung bình.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hàng năm, toàn tỉnh có hơn 1.500 lượt người nghiện chích ma túy được nhận bơm kim tiêm sạch, 1.300 lượt phụ nữ bán dâm và 1.000 lượt nam đồng tính có quan hệ tình dục được nhận bao cao su miễn phí. Công tác tư vấn, xét nghiệm HIV được triển khai hầu hết ở các cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân. Hàng năm, gần 30.000 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV. Các cơ sở y tế công lập được kiện toàn cơ sở vật chất, triển khai hoạt động tiếp nhận khám và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. 100% trạm y tế có thể cấp thuốc ARV. Hiện nay, toàn tỉnh có 967 bệnh nhân được điều trị ARV (chiếm hơn 94%); 516 người được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; gần 94% bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế. Hàng năm, mô hình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tư vấn, xét nghiệm cho hơn 11.000 lượt phụ nữ mang thai. Do được phát hiện và dự phòng lây truyền sớm nên nhiều trẻ có mẹ nhiễm HIV sinh ra có kết quả âm tính với HIV…


Với những kết quả đạt được, Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tiến tới chấm dứt AIDS vào năm 2030.

 
C.Đan