10:11, 11/11/2020

Chuyện kể ở khu cách ly

Vào một ngày cuối tháng 10, chúng tôi - những y, bác sĩ  nhận được thông tin về những công dân Việt Nam nhập cảnh từ Myanmar về và thực hiện cách ly tập trung tại C19, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Họ được thăm khám, xét nghiệm sàng lọc, khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, họ được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh…

 

Cùng nhau cố gắng mỗi ngày


Vào một ngày cuối tháng 10, chúng tôi - những y, bác sĩ  nhận được thông tin về những công dân Việt Nam nhập cảnh từ Myanmar về và thực hiện cách ly tập trung tại C19, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Họ được thăm khám, xét nghiệm sàng lọc, khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, họ được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh…

 

Những ngày đầu mới đặt chân vào khu vực cách ly, ai cũng có cảm giác lo lắng và bất an bởi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 luôn cận kề. Thậm chí, những lúc lướt qua nhau, nhiều người còn không dám thở, nhưng bản thân chúng tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng, khi nhận nhiệm vụ ở khu cách ly, chúng tôi đã gạt đi hạnh phúc cá nhân, vượt qua sự sợ hãi để trở thành những chiếc khiên vững chãi trên tuyến đầu chống dịch.


Để các trường hợp cách ly có thể chia sẻ, trao đổi những vấn đề phát sinh, chúng tôi đã lập nhóm Zalo chung. Kể từ đó, mọi người nói chuyện với nhau cởi mở, vui vẻ hơn. Và cũng không biết tự bao giờ, khoảng cách giữa những người cách ly với nhân viên y tế trở nên gần gũi, thân thương đến lạ.


Công việc hàng ngày của chúng tôi không chỉ kiểm tra thân nhiệt, đo mạch, huyết áp, cấp thuốc cho bệnh nhân, mà còn kiêm thêm việc lo từ bữa cơm, giấc ngủ, các vật dụng cá nhân cho người được cách ly. Ngay cả khi có miếng bánh, trái cây ngon, chúng tôi cũng đều chia sẻ cho họ. Một việc không thể thiếu nữa đó là luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân để chia sẻ, động viên họ yên tâm điều trị bệnh và tuân thủ quy định cách ly một cách tốt nhất.


Đến thời điểm hiện tại, đã gần 2 tuần “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ở khu cách ly, chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là những ngày chúng tôi trải qua nhiều xúc cảm từ lo lắng đến an tâm.


Với bệnh nhân, trước khi nhận phòng, hành lý được khử trùng toàn bộ. Ngày đầu tiên, mỗi người được nhận những bịch dầu gội, sữa tắm, bàn chải đánh răng, khăn mặt... tất cả những gì thiết yếu cho sinh hoạt. Mỗi ngày, bệnh nhân còn được phát 2 chiếc khẩu trang y tế. Tất cả người cách ly đều được “cơm bưng nước rót” tận phòng, có wifi miễn phí...

 

Căn phòng này là nơi đội ngũ y, bác sĩ cùng nhau làm việc, cùng nhau cố gắng mỗi ngày.

Căn phòng này là nơi đội ngũ y, bác sĩ cùng nhau làm việc, cùng nhau cố gắng mỗi ngày.

 

Tuy nhiên, vẫn có bệnh nhân tâm lý lo sợ, muốn về nhà, ra khỏi khu cách ly. Chúng tôi đã trao đổi với ban lãnh đạo tại bệnh viện và bằng nhiều hình thức sau đó giúp bệnh nhân ổn định tinh thần hơn để tiếp tục điều trị bệnh. Trải qua những khó khăn, chúng tôi tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục kiên trì giải thích cho từng bệnh nhân, thuyết phục họ ở lại khu cách ly chờ kết quả thành công mà không còn sự phàn nàn nào. Mỗi trường hợp khó khăn, đằng sau chúng tôi là lãnh đạo, đồng nghiệp luôn bên cạnh và sự ủng hộ từ gia đình nên chúng tôi càng nỗ lực hơn. Càng gắn bó với công việc, tiếp xúc nhiều với các bệnh nhân, chúng tôi cũng nâng cao về chuyên môn, quen với công việc, xử lý tốt hơn khi gặp những ca khó.


Những xúc cảm không thể nào quên


Cũng tại khu cách ly Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, bác sĩ Lê Thị Lệ Nguyên, điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Đính, Lương Thị Ánh Ly… đã trở thành những cái tên quen thuộc với bệnh nhân. Thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, dù có con nhỏ mới 4 tuổi nhưng cũng như những đồng nghiệp khác, chị Đính luôn ở tâm thế sẵn sàng lên đường. Sau khi gửi con nhỏ cho cha mẹ chăm nom, sắp xếp việc nhà đâu vào đó, chị xách ba lô vào khu cách ly chăm sóc cho người bệnh. “Tôi rất nhớ con, nhiều lúc chỉ muốn đứng nhìn con từ xa nhưng càng nhớ thì càng quyết tâm cùng đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ”, chị Đính nói.


“Sức nhỏ góp công nhỏ, nhiều cây nhỏ sẽ thành rừng” là niềm tin của chị Ly, nữ điều dưỡng trẻ xung phong trực gác tại khu cách ly từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát. Đến nay, điều dưỡng Ly đã tham gia 3 đợt trực gác tại đây, mỗi đợt đều để lại những kỷ niệm, đánh dấu sự trưởng thành cả chuyên môn lẫn nghị lực của tập thể y, bác sĩ nơi đây.


Cái cảm giác của chúng tôi khi mỗi lần mang bộ trang phục phòng hộ cá nhân phòng, chống dịch là cơ thể tựa đang trong phòng xông hơi, nóng và ẩm. Thi thoảng, hơi nước lại bốc lên khiến kính bảo hộ bị mờ đi. Cũng trong trang phục “giấu mặt” ấy mỗi ngày là hàng chục lượt lên xuống khu cách ly để vận chuyển thức ăn, đồ dùng cá nhân của người nhà gửi cho các bệnh nhân cũng như dọn vệ sinh, khử khuẩn phòng để đảm bảo yêu cầu về y tế, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Cả ngày mặc trang phục bảo hộ, ban đầu, chúng tôi cảm thấy rất bức bối, bây giờ thì quen rồi.


Vất vả là thế, khó khăn là vậy nhưng chúng tôi luôn tâm niệm “nỗ lực không ngừng để chống dịch”. Dịch bệnh ổn định thì chúng tôi và mọi người mới an tâm tiếp tục làm việc bình thường và vui sống cùng người thân, bạn bè.


Chúng tôi tự nói với nhau, hôm nào chia tay những bệnh nhân này sau khi hoàn thành nhiệm vụ và được lấy mẫu xét nghiệm âm tính, chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ với chiếc bánh kem trên đó ghi dòng chữ “Chung tay đánh bay Covid-19”, kèm cây nến đánh số ngày mà chúng tôi đã được cách ly tại nơi đây. Và đó là những kỷ niệm những ngày chống dịch, qua đó chúng tôi học được rất nhiều điều về nghề nghiệp và tình người.


A.L