10:04, 27/04/2020

Sẽ tiêm chủng mở rộng trở lại ngay khi Bộ Y tế cho phép

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tạm dừng tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Việc tạm hoãn kéo dài liệu có ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh của trẻ? 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tạm dừng tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Việc tạm hoãn kéo dài liệu có ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh của trẻ? Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết:


- Trong tháng 4, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ đều tạm hoãn. Chỉ có một số loại vắc xin được triển khai tiêm là vắc xin viêm gan B liều sơ sinh tại các cơ sở y tế có phòng sinh và các trường hợp cần được tiêm ngay như: vắc xin, huyết thanh phòng, chống bệnh dại, uốn ván.

 


Việc tạm dừng tiêm chủng mở rộng đã ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ tiêm chủng của tháng 4 nói riêng và năm 2020 nói chung. Đồng thời, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin cúm mùa cho cán bộ y tế, vắc xin uốn ván bạch hầu cho trẻ 7 tuổi năm 2020.


- Ông có thể cho biết việc tạm hoãn tiêm chủng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh ở trẻ như thế nào?


- Nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ hoặc tiêm muộn (do tạm hoãn) thì trẻ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm do không đủ miễn dịch bảo vệ.


Theo lịch tiêm chủng của chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ cần được tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh; trong vòng 1 tháng tuổi thì tiêm vắc xin BCG phòng lao; khi được 2, 3 và 4 tháng tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib và uống vắc xin OPV phòng bại liệt; khi 5 tháng tuổi tiêm vắc xin IPV; 9 tháng tuổi tiêm vắc xin sởi; đến 12 tháng tuổi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B; trẻ 18 tháng tuổi tiêm vắc xin sởi - rubella và DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván.


- Khi nào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ được triển khai lại thưa ông?


- Hiện nay, ngành Y tế đang chờ chỉ đạo của Bộ Y tế về vấn đề trên. Khi Bộ Y tế cho phép tổ chức tiêm chủng trở lại, ngành Y tế sẽ thông báo ngay đến các phụ huynh để đưa con đi tiêm chủng.


Hiện nay, trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế xã, phường, thị trấn phải nắm rõ và quản lý chặt danh sách trẻ ở độ tuổi tiêm chủng của địa phương; đồng thời lập kế hoạch tổ chức tiêm bù các vắc xin cho trẻ theo nguyên tắc đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ khi triển khai lại chương trình.


- Trong thời điểm hiện nay, theo ông, phụ huynh cần phải làm gì để phòng bệnh cho trẻ?


- Trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Vì thế, tại thời điểm Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chương trình tiêm chủng tạm dừng, để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp sau: Đối với trẻ phải đảm bảo dinh dưỡng, ở trẻ sơ sinh cho bú sữa mẹ thường xuyên; trẻ ở tuổi ăn dặm cần cân đối các loại thực phẩm, rau củ nấu ăn cho trẻ phải phong phú và đủ chất; cho trẻ uống nước ấm. Để phòng lây bệnh Covid-19 và các bệnh khác cho con, mẹ hạn chế đến nơi đông người, tránh đi vào vùng công bố dịch hoặc đã có người nhiễm Covid-19; luôn đeo khẩu trang đúng cách khi đi ra ngoài, hạn chế chạm tay vào đồ vật nơi công cộng; thực hiện vệ sinh tay, chân thường xuyên. Đồng thời, nhà cần sạch sẽ, khô thoáng; hạn chế ôm ấp và hôn trẻ vì bệnh rất dễ lây qua đường giọt bắn…


- Xin cảm ơn ông!


Thảo Ly (Thực hiện)