12:02, 27/02/2020

Nơi tuyến đầu chống dịch

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa là hai trong số các đơn vị tuyến đầu trong công tác chống dịch Covid-19. 

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa là hai trong số các đơn vị tuyến đầu trong công tác chống dịch Covid-19. Chính vì thế, những ngày này, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của hai đơn vị đang căng mình trực 24/24 giờ, luôn đi đầu trong cuộc chiến chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.


Căng mình trực 24/24 giờ


Nhận được thông tin có ca bệnh có yếu tố nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, 7 giờ ngày 8-2, các bác sĩ: Huỳnh Trọng Tân, Nguyễn Đức Tình, Hoàng Đức Nguyên… cùng một số thành viên của các đội phản ứng nhanh thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhanh chóng có mặt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh để điều tra dịch tễ. Không phải bây giờ mà ngay từ ngày 25 tháng Chạp âm lịch (19-1),  khi có thông tin về dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, 28 thành viên của 4 đội phản ứng nhanh của trung tâm đã bắt đầu đi giám sát, điều tra dịch tễ. Trước khi có lệnh ngừng bay (ngày 1-2), khách Trung Quốc nhập và xuất cảnh ở sân bay Cam Ranh rất đông. Thời điểm đó, do khó tìm được thông dịch viên nên “google dịch” là “bửu bối” để các thành viên khai thác thông tin từ khách, hoặc vận động họ đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh khám bệnh. Gặp người chịu hợp tác thì mừng, gặp người khó chịu thì bị nghe mắng là chuyện thường ngày của đội.

 

Các kiểm dịch viên giám sát sức khỏe của hành khách qua máy đo thân nhiệt từ xa.

Các kiểm dịch viên giám sát sức khỏe của hành khách qua máy đo thân nhiệt từ xa.


Bác sĩ Nguyễn Đức Tình - Phó Đội trưởng Đội 1 kể, ngày 30 tháng Chạp vừa qua là ngày không thể quên. Ngày cuối cùng của năm, lẽ ra ai cũng được sum họp gia đình, chuẩn bị đón năm mới thì các thành viên phải ra ngoài cộng đồng cả ngày để điều tra, giám sát những nơi, những người tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc dương tính với SARS-CoV-2 (2 ca đầu tiên ở Việt Nam). “Tối 29 nhận được lệnh, sáng 30 tôi giao hết mọi việc trong nhà cho vợ, cùng anh em ra ngoài điều tra, giám sát. Giám sát ngoài cộng đồng đến chiều tối, về nhà tôi lao vào làm báo cáo gửi đi gấp. Khi xong việc, nhìn đồng hồ đã quá Giao thừa từ lâu”, bác sĩ Tình nhớ lại.


Đúng mùng 5 Tết, các đội nhận thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh tiếp nhận bệnh nhân chuyển từ Bình Thuận ra điều trị với nhiều yếu tố nguy cơ cao. Qua điều tra dịch tễ, các thành viên ở 4 đội thót tim khi biết, nữ bệnh nhân này có thời gian (7 ngày) nấu ăn cho 9 người Trung Quốc tại một cơ sở sản xuất ở tỉnh Bình Thuận, trong đó có 7 người đến từ Vũ Hán. Bác sĩ Huỳnh Trọng Tân - Đội trưởng Đội 2 kể: “Thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm của bệnh nhân này, cả đội ai cũng như ngồi trên đống lửa. Sau 2 ngày, khi có kết quả xét nghiệm âm tính, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.


Nhưng mùng 7 Tết (ngày 31-1 dương lịch) mới là ngày mà những thành viên của 4 đội lo sợ nhất. Đó là khi Bộ Y tế thông tin lễ tân H. dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Lúc đó, 28 thành viên ở các đội ai cũng lặng người. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rõ hậu quả sẽ kinh hoàng thế nào nếu dịch đã lan ra cộng đồng. Y sĩ Trần Thị Hạnh - thành viên của Đội 1, một trong những người trực tiếp điều tra dịch tễ tại khách sạn cha con người Trung Quốc lưu trú chia sẻ: “Lúc đó, chúng tôi phải tự trấn an, động viên với nhau để lấy tinh thần. Thời gian đó, mỗi ngày đối với tôi dài như một thế kỷ, đến cuối ngày khi thông tin về sức khỏe của những người này đều bình thường thì sự căng thẳng và lo lắng của tôi mới vơi đi. Đến khi cô H. điều trị khỏi bệnh và xuất viện, những người tiếp xúc gần với cô H. đều có kết quả xét nghiệm âm tính, tôi và các thành viên trong đội mới trút được nửa nỗi lo”.

 

Khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.


Chưa kịp lấy lại sức, ngày 3 và 4-2, nhận thông tin về trường hợp 2 vợ chồng du khách người Trung Quốc dương tính với vi rút SARS-CoV-2 có thời gian lưu trú ở TP. Nha Trang từ ngày 23 đến 28-1, tất cả các thành viên của đội lại lần nữa chạy đua với thời gian, đến những khách sạn, nhà hàng, cơ sở y tế nơi 2 vợ chồng du khách này lưu trú, khám bệnh, ghé ăn để điều tra dịch tễ, lập danh sách giám sát, theo dõi những người có tiếp xúc gần, hướng dẫn họ cách tự cách ly tại nhà…


Đến thời điểm này, gần như tất cả các thành viên ở các đội phản ứng nhanh chưa được một ngày nghỉ đúng nghĩa. Thế nhưng với họ, mong muốn lớn nhất vẫn là dịch bệnh này nhanh chóng bị đẩy lùi.


Thức cùng những chuyến bay


10 giờ ngày 24-2, chuyến bay mang số hiệu TW161 từ Hàn Quốc chở theo 100 hành khách về sân bay Cam Ranh. Đội ngũ kiểm dịch viên đã sẵn sàng tiến hành các bước kiểm tra thân nhiệt từng hành khách. Kiểm dịch viên Hoàng Đức Tú và Bùi Trọng Tấn căng mắt trên màn hình máy tính, dõi theo từng hành khách thông qua camera đo thân nhiệt từ xa. Tại cửa kiểm dịch, ông Ngô Đình Dinh - kiểm dịch viên quan sát bằng mắt để phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của khách. Bàn mở tờ khai y tế cũng được kiểm dịch viên Hoàng Thị Huyền chuẩn bị chu đáo. Mọi hành khách đến từ Hàn Quốc đều được kiểm dịch viên yêu cầu khai vào tờ khai y tế. Tất cả mọi công đoạn kiểm tra sức khỏe hành khách được thực hiện hết sức chuyên nghiệp, nhuần nhuyễn. Cùng thời điểm ấy, khi máy bay hạ cánh, nhóm 5 cán bộ thuộc Khoa Xét nghiệm và xử lý y tế (Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh) đã có mặt khử trùng ống lồng, xe vận chuyển hành khách. Nhóm khác thì kiểm tra và khử trùng trong, ngoài máy bay, nhất là cửa máy bay, khoang hành lý ký gửi, hành lý xách tay...

 

Kiểm dịch viên hướng dẫn hành khách kiểm tra sức khỏe qua máy đo thân nhiệt.

Kiểm dịch viên hướng dẫn hành khách kiểm tra sức khỏe qua máy đo thân nhiệt.


Kiểm dịch viên Trần Văn Toàn - Tổ trưởng Tổ kiểm dịch tại sân bay Cam Ranh cho biết, trước đây, mỗi ngày có khoảng 14.000 đến 16.000 hành khách từ Trung Quốc xuất, nhập cảnh qua sân bay Cam Ranh, riêng TP. Vũ Hán trong tuần có 3 chuyến bay thẳng đến Cam Ranh, mỗi chuyến bay trung bình chở theo 180 hành khách. Hiện nay, mọi đường bay từ Trung Quốc đã dừng hẳn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở Hàn Quốc - thị trường khách du lịch lớn thứ 3 đến Nha Trang, Khánh Hòa, nên cần được kiểm soát chặt chẽ. “Bắt đầu thời điểm có thông tin về dịch, số hành khách nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh vẫn đông nghẹt. Bình thường một ca của chúng tôi có 7 kiểm dịch viên, nhưng những ngày đó, nhân lực được huy động tăng lên 15 người. 5 máy đo thân nhiệt cũng được lắp đặt và bật 24/24 giờ. Chúng tôi phải tập trung liên tục kiểm tra, kiểm soát để không có bất cứ trường hợp nào có biểu hiện khác thường về sức khỏe có thể lọt qua cổng kiểm dịch”, ông Toàn chia sẻ.


Kiểm dịch viên Bùi Trọng Tấn nhớ lại: “Khi phát hiện biểu hiện bất thường về sức khỏe của một hành khách Trung Quốc, chúng tôi đã mời người này vào phòng cách ly để kiểm tra dịch tễ. Đồng thời, tiến hành các biện pháp cần thiết, di chuyển hành khách về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh làm các xét nghiệm chuyên sâu. Hành khách ý thức được việc bảo vệ sức khỏe cho mình nên hợp tác chặt chẽ với chúng tôi. Rất may là các ca phát hiện khác thường khi xuất, nhập cảnh qua cảng đều âm tính”.


Bác sĩ Nguyễn Hoa Hội - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế khẳng định: “Chúng tôi xác định cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 không thể sớm kết thúc. Là đơn vị tuyến đầu, đội ngũ cán bộ y tế của trung tâm đã, đang và luôn cảnh giác cao độ, trong tâm thế sẵn sàng chống dịch”.


Ngày 27-2 năm nay khá đặc biệt, khi tất cả các cơ sở y tế đều không tổ chức lễ kỷ niệm. Với chúng tôi, đội ngũ cán bộ y tế ở tỉnh nói chung và đang ở “nơi đầu sóng ngọn gió” chống dịch Covid-19 nói riêng, họ mãi là những chiến sĩ anh hùng, quả cảm.


Nhóm P.V