09:10, 07/10/2019

Tích cực phòng, chống bệnh tay chân miệng

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần từ ngày 16 đến 22-9, toàn tỉnh ghi nhận 119 trường hợp mắc mới bệnh tay chân miệng (TCM), tăng 43,4% so với tuần trước đó. 
 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần từ ngày 16 đến 22-9, toàn tỉnh ghi nhận 119 trường hợp mắc mới bệnh tay chân miệng (TCM), tăng 43,4% so với tuần trước đó. 
 
Hiện nay, toàn tỉnh ghi nhận có hơn 1.240 trường hợp mắc bệnh TCM. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều có trường hợp mắc TCM tăng, trừ huyện Khánh Sơn. Trong đó, các địa phương: Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa và Cam Lâm có số mắc TCM tăng cao. 

 

Bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng.
 
 
TCM là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tác nhân gây bệnh là do vi rút Coxsackie gây nên. Vi rút có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng hoặc các chất tiết từ mũi miệng hay phân của trẻ mắc bệnh. Bệnh TCM lây truyền chủ yếu từ trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh văng ra trong lúc ho hay hắt hơi; do trẻ lành cầm nắm đồ chơi sẽ chạm vào sàn nhà bị dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh; lây qua bàn tay của người chăm sóc trẻ; vi rút xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết, từ đó phát triển rất nhanh và gây ra các tổn thương da và niêm mạc.
 
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trẻ mắc bệnh TCM thường rất biếng ăn, không ăn uống được do các vết loét bên trong niêm mạc miệng gây đau đớn. Ngoài ra, trẻ còn bị sốt cao, nôn ói… nên rất mệt mỏi và khó chịu, quấy khóc. Bố mẹ nên cho trẻ ăn những thực phẩm kích thích sự ngon miệng như các loại rau có tính mát, chứa nhiều vitamin, chẳng hạn: Rau dền đỏ, rau mồng tơi… Thức ăn nên được xay thật nhỏ, mềm và chia nhiều bữa nhỏ trong ngày để dễ hấp thu. Cho trẻ ăn các thực phẩm giàu kẽm (tăng sự ngon miệng, tăng sức đề kháng, mau lành các vết loét trong miệng, bảo vệ vị giác...) như: Sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà, thịt cừu, thịt heo nạc... hoặc viên Farzincol; các thực phẩm giàu nước, mát và nhiều vitamin C như: Nước ép cam, quýt, cà chua, ổi, bưởi… và uống bổ sung vitamin, khoáng chất theo hướng dẫn của bác sĩ. Chú ý tránh cho trẻ các thức ăn cay, nóng, cứng. Không dùng các loại thìa muỗng cứng, sắc cạnh đút cho trẻ vì sẽ đụng đến các vết loét trong miệng, khiến trẻ đau, sợ hãi, bỏ ăn uống.
 
Đối với trẻ còn bú mẹ thì có thể tăng số lần bú vì mỗi lần trẻ bú không được nhiều như lúc còn khỏe. Khi trẻ giảm bệnh (khoảng 4 - 5 ngày sau) và hết các vết loét trong miệng thì cần khuyến khích, động viên trẻ ăn uống bình thường trở lại hợp với lứa tuổi, không kiêng khem để phòng tránh suy dinh dưỡng. Sau khi ăn, nên súc miệng trẻ thật sạch và nhịn hoàn toàn trong 3 - 4 giờ sau mới cho ăn uống trở lại.
 
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế; để phòng, chống bệnh TCM, người dân và cộng đồng cần thực hiện: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như: Cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
 
Nguyễn Thị Quế Lâm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa)