09:06, 03/06/2019

Gian nan chống nhiễm khuẩn bệnh viện

Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị mà còn làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh. Những năm gần đây, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện (BV) không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị mà còn làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh. Những năm gần đây, các BV trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tăng cường chống nhiễm khuẩn


Sau BV Đa khoa tỉnh, mới đây, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng chiến dịch vệ sinh tay. Đây là một trong những hoạt động phòng, chống nhiễm khuẩn BV được BV Lao và Bệnh phổi tỉnh thực hiện hàng năm cho cán bộ, nhân viên y tế. Cùng với hoạt động trên, 5 năm qua, BV còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiểm soát nhiễm khuẩn BV cho cán bộ, nhân viên; hoàn thiện hệ thống chất thải lỏng; đánh giá các chỉ số vi sinh không khí, đặc biệt tại các khu trọng điểm, có nguy cơ lây nhiễm cao; bố trí, thiết kế lại các buồng bệnh, khu khám bệnh, cận lâm sàng đảm bảo thông khí, khử khuẩn tốt. BV còn hợp đồng với một số công ty môi trường thu gom rác thông thường và rác thải y tế theo đúng quy định. Ngoài ra, BV đã thực hiện phân luồng khu khám bệnh thành 3 buồng khám với 4 bàn khám riêng biệt, thường xuyên phân loại bệnh nhân để cách ly hoặc đưa đến phòng khám chuyên biệt, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân nhằm giảm tình trạng lây lan. Bác sĩ Hồ Tá Phương - Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: “Song song với các hoạt động trên, BV còn gắn kết công tác này với trách nhiệm từng lãnh đạo khoa, phòng. Nhờ đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn ở BV được cải thiện đáng kể, giảm từ 8,2% (năm 2016) xuống còn 6,2% (năm 2018)”.

 

1

Các chai sát khuẩn tay nhanh được đặt tại từng giường Khoa Hồi sức tích cực chống độc.


Tại BV Đa khoa tỉnh, ngoài các hoạt động chống nhiễm khuẩn được triển khai nghiêm ngặt theo quy định, BV còn đặt các chai dung dịch sát khuẩn nhanh ngay tại buồng bệnh, hành lang các khoa, phòng. Thạc sĩ Dương Nữ Tường Vy - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của BV cho biết: “Những khoa, phòng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như: nhi, sản khoa, hồi sức, tại mỗi giường bệnh, chúng tôi đều có đặt chai sát khuẩn nhanh. Đối với các khoa, phòng khác, chúng tôi đặt ở hành lang, cách 50m hay 100m là có 1 chai. Hoạt động này được BV triển khai từ năm 2013, bình quân hàng ngày có khoảng 800 chai được đặt khắp BV”.


Ngoài ra, BV còn chú trọng hướng dẫn người nhà bệnh nhân rửa tay đúng cách tại những khoa, phòng có tỷ lệ lây nhiễm cao; tăng cường giám sát việc tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong toàn BV… Nhờ thế, tỷ lệ nhiễm khuẩn tại BV được cải thiện rõ rệt, giảm từ 5,4% (năm 2013) xuống còn 4,7% (2018); tỷ lệ nhân viên y tế tuân thủ vệ sinh tay tăng từ 14,8% lên đến 78%.


Còn khó khăn


Theo lãnh đạo các BV, hiện nay, nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn ở các BV còn thiếu và yếu; nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác này tại nhiều BV chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm soát nhiễm khuẩn, dịch bệnh, vi sinh vật kháng thuốc… Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn ở một số BV chưa thực sự ý thức và tham gia thực hành tốt.

 

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện rửa tay  trước và sau khám bệnh cho bệnh nhân.

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện rửa tay trước và sau khám bệnh cho bệnh nhân.


Bác sĩ Hồ Tá Phương cho biết: “Hiện nay, gần 70% cán bộ phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn tại BV là kiêm nhiệm, nhân lực đầu não của bộ phận này cũng là nhân lực ghép, nên công tác này gặp nhiều hạn chế. Do năng lực tài chính có hạn, nhà lưu giữ chất thải của BV tuy đã được cải thiện qua từng năm nhưng vẫn chưa đảm bảo đúng 100% theo quy định của Bộ Ytế. BV cũng chưa thể triển khai được đồng loạt hệ thống lọc nước…”. Theo lãnh đạo một số BV, hiện nay, chi phí cho kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được tính đúng, tính đủ vào viện phí. Do đó, nhiều nhiệm vụ chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn khó có thể thực hiện tốt.


Được Bộ Y tế chọn là một trong những mô hình điểm về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn hiệu quả, tuy nhiên, nhiễm khuẩn BV vẫn là điều khiến đội ngũ y, bác sĩ tại BV Đa khoa tỉnh lo ngại. Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc BV Đa khoa tỉnh cho biết: “Là tuyến cuối nên lượng bệnh nhân điều trị tại BV luôn cao, thường xuyên bị quá tải. BV còn là nơi tập trung bệnh nhân nặng, phải điều trị dài ngày. Trong khi đó, các bệnh ngày càng đa dạng và phức tạp nên khả năng lây lan nhiễm khuẩn chéo rất dễ xảy ra. Đây cũng là khó khăn trong công tác chống nhiễm khuẩn tại BV”.


Để nâng cao hơn công tác chống nhiễm khuẩn, đồng thời hưởng ứng chiến dịch vệ sinh tay do WHO phát động, trong tháng 5, nhiều BV trên địa bàn tỉnh tổ chức ký cam kết, thực hiện tốt quy trình vệ sinh tay, góp phần đảm bảo công tác khám, chữa bệnh được an toàn.


C.Đan