10:05, 27/05/2019

Tiến triển mới trong điều trị lao kháng thuốc

Dưới sự hỗ trợ của Chương trình chống lao quốc gia, năm 2018, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã triển khai phác đồ điều trị lao kháng thuốc mới, mang lại hiệu quả cao.

Dưới sự hỗ trợ của Chương trình chống lao quốc gia, năm 2018, Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi tỉnh đã triển khai phác đồ điều trị lao kháng thuốc mới, mang lại hiệu quả cao.


Theo thống kê, cứ 100 người mắc bệnh lao thì có khoảng 30 người bị lao kháng thuốc. Nếu không quản lý tốt, mỗi năm, bệnh nhân (BN) lao đa kháng thuốc sẽ lây lan bệnh cho từ 10 đến 20 người trong cộng đồng. Đây là thực trạng rất đáng báo động. Vì vậy, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh triển khai nhiều hoạt động chống lao, trong đó có áp dụng nhiều phác đồ mới điều trị lao kháng thuốc. Điều đáng mừng là tỷ lệ BN điều trị khỏi lao kháng thuốc ngày càng tăng.

 

Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân.

Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh khám bệnh cho bệnh nhân.


Được biết, năm 2014, tỉnh triển khai điều trị lao kháng thuốc với phác đồ điều trị 20 tháng, tỷ lệ điều trị khỏi đạt gần 84%. Đầu năm 2018, dưới sự hỗ trợ của Chương trình chống lao quốc gia, tỉnh được hỗ trợ thêm phác đồ điều trị mới với thời gian rút ngắn còn 9 tháng, nguồn thuốc được nhập từ châu Âu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ. Tổng trị giá cho liệu trình điều trị khoảng 600 triệu đồng, người bệnh được hỗ trợ điều trị miễn phí hoàn toàn. Sau khi được hỗ trợ và tiến hành khám sàng lọc, toàn tỉnh có 20 BN được chỉ định điều trị theo phác đồ mới. Kết quả, có 13 BN đã điều trị đủ liệu trình và khỏi bệnh hoàn toàn (đạt 100%), 7 BN còn lại đang trong liệu trình điều trị. Kết quả trên không chỉ mang lại niềm vui cho nhiều BN lao kháng thuốc, mà còn của cả cộng đồng.


Sau 7 tháng tuân thủ phác đồ điều trị mới lao kháng thuốc, sức khỏe của BN Nguyễn Ngọc L. (17 tuổi, thị xã Ninh Hòa) tiến triển tốt. Đến nay, L. đã có thể đi lại, vận động bình thường. Theo BN L., em lây bệnh lao từ một người thân trong gia đình. Thời gian đầu mắc lao tiền siêu kháng thuốc, cơ thể em suy yếu, kiệt quệ, không ăn uống được, chỉ còn 30kg. Hiện nay, em đã tăng lên 43kg, ăn uống tốt. Theo phác đồ điều trị, khoảng 2 tháng nữa là hết liệu trình, L. sẽ khỏi bệnh. L. mong sớm hết bệnh để được đi học lại vào đầu tháng 9.


BN Trần Hoài X. (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) mắc bệnh lao đã 5 năm. Do công việc thường đi xa nên ông đã 2 lần bỏ điều trị giữa chừng. Khi bệnh chuyển nặng, nhập BV Lao và Bệnh phổi tỉnh, ông X. mới biết bị mắc lao kháng thuốc. Ông được bác sĩ chỉ định điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc mới. “Phác đồ mới chỉ còn 9 tháng, rất thuận lợi, giúp tôi phục hồi nhanh sức khỏe, vừa hạn chế lây bệnh cho cộng đồng. Sau khi được điều trị khỏi, tôi đã đi làm lại được 4 tháng”, ông X. nói. 

 
Bác sĩ Hồ Tá Phương - Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: “So với bệnh lao thông thường, lao kháng thuốc rất khó điều trị, chi phí điều trị rất cao, nếu không được quản lý tốt, nó sẽ lây lan trong cộng đồng. Do đó, việc áp dụng phác đồ điều trị mới giúp BN khỏi sớm, giảm được nguồn lây cho cộng đồng. Hiện tại, toàn tỉnh vẫn áp dụng song song cả hai phác đồ 20 tháng và 9 tháng trong điều trị lao kháng thuốc, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi BN, BV sẽ sử dụng phác đồ điều trị phù hợp”.


Cùng với các phác đồ điều trị hiệu quả, BV Lao và Bệnh phổi tỉnh cũng áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị lao kháng thuốc như:  xét nghiệm đờm bằng công nghệ gene Xper - có thể phát hiện vi khuẩn lao trong khoảng 3 giờ, từ đó giúp các BN lao kháng thuốc không phải vào TP. Hồ Chí Minh như trước kia. Đặc biệt, nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bệnh lao, lao kháng thuốc cũng được đẩy mạnh, nhờ vậy, tỷ lệ bỏ điều trị của BN lao trong năm 2018 chỉ 0,07% - thấp nhất trong 20 năm qua.


Thảo Ly