10:03, 17/03/2019

Triển khai bệnh án điện tử: Vẫn còn khó khăn

Theo Thông tư 46 của Bộ Y tế, giai đoạn 2019 - 2023, các bệnh viện hạng I triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, giai đoạn 2024 - 2030 sẽ triển khai ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh còn lại. Tuy nhiên, việc triển khai tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.
 

Theo Thông tư 46 của Bộ Y tế, giai đoạn 2019 - 2023, các bệnh viện hạng I triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, giai đoạn 2024 - 2030 sẽ triển khai ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) còn lại. Tuy nhiên, việc triển khai tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.
 
Đang trong giai đoạn chuẩn bị
 
Bác sĩ Phan Hữu Chính - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, chủ trương thực hiện bệnh án điện tử đã được ban lãnh đạo BV đặt ra từ lâu. 20 năm qua, BV đã triển khai và áp dụng phần mềm quản lý BV do nhân viên của BV tự viết và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, phần mềm BV chỉ thực hiện lưu trữ dữ liệu của bệnh nhân và dữ liệu hình ảnh cận lâm sàng, không lưu giữ được toàn bộ thông tin bệnh nhân. Vì thế, BV vẫn phải thực hiện lưu trữ bệnh án bằng giấy. Để lưu trữ toàn bộ nội dung thông tin bệnh án của bệnh nhân, có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử; tuân thủ việc bảo vệ thông tin bệnh nhân… thì phần mềm của BV không đáp ứng được. BV đang tìm và đặt mua các phần mềm. Tuy nhiên, để có kinh phí thực hiện và phần mềm chạy ổn định thì cần khoảng thời gian nhất định. Dự kiến đến năm 2021, BV mới có thể hoàn thiện và triển khai bệnh án điện tử.

 

Khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
 
BVĐK khu vực Ninh Hòa và Cam Ranh (2 BV hạng II tuyến tỉnh) cũng đang tìm nguồn kinh phí và các công ty công nghệ thông tin để đặt mua phần mềm. Trong thời gian chuẩn bị, các BV vẫn thực hiện bệnh án trên giấy. Theo bác sĩ Lê Quang Vinh - Phó Giám đốc phụ trách BVĐK khu vực Cam Ranh, hiện nay, BV đã triển khai nối mạng máy tính trong việc KCB, kết nối với cổng thanh toán bảo hiểm y tế. Nhưng để triển khai thực hiện bệnh án trên hệ thống điện tử, lưu trữ trên máy tính thì chưa làm được do còn thiếu về cơ sở hạ tầng, con người. Thực hiện bệnh án điện tử không hề đơn giản. Bên cạnh đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, các BV cần phải tính đến việc lưu hồ sơ bệnh án như thế nào để đảm bảo hệ số an toàn, bí mật thông tin cho bệnh nhân; chống vi rút ra sao; nếu mất mạng Internet hay hỏng mất dữ liệu thì phải xử lý thế nào… Chủ trương đưa ra BV sẽ thực hiện, nhưng sẽ triển khai từng phần, làm từng bước một.
 
Nhiều khó khăn
 
Theo lãnh đạo các BV trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện bệnh án điện tử là chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở KCB cũng như bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay, để áp dụng bệnh án điện tử vẫn còn nhiều bất cập. 
 
Theo quy định về bệnh án điện tử, những thông tin về bệnh nhân sẽ được lưu trong phần mềm và có chữ ký số của cán bộ y tế chịu trách nhiệm nhập nội dung thông tin trong thời gian tối đa 12 giờ, kể từ khi có y lệnh của bác sĩ. Trường hợp có sự cố về công nghệ thông tin thì thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa không quá 24 giờ. Hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân. Mỗi bệnh nhân có một mã số ID riêng. Đây sẽ là kho dữ liệu thông tin sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời mỗi người.
Trước hết, Bộ Y tế chưa tính chi phí quản lý phần mềm bệnh án điện tử vào giá dịch vụ y tế. Trong khi, chi phí dành cho hoạt động này rất cao. “Các công ty công nghệ thông tin hiện nay chào hàng một chữ ký điện tử là 1,5 triệu đồng/năm. Nếu BV triển khai bệnh án điện tử thì ở BV có khoảng 600 người phải đăng ký, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm, tính thêm chi phí quản lý phần mềm bệnh án điện tử có thể đội lên 4 tỷ đồng. BV đang thực hiện tự thu, tự chi nên không biết lấy nguồn kinh phí ở đâu để chi trả”, bác sĩ Chính nói.  
 
Cùng với đó, Bộ Y tế chưa có chuẩn phần mềm quản lý BV thống nhất cho toàn ngành để các đơn vị có thể dựa trên đó thực hiện bệnh án điện tử. Hầu như các đơn vị phải tự xoay sở, có những BV 2 năm phải sử dụng 3 phần mềm quản lý BV của 3 công ty khác nhau. Chưa kể, tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra về bệnh án điện tử quá cao so với mặt bằng chung ở các cơ sở KCB tại Khánh Hòa hiện nay. Ngoài ra, giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề bệnh án điện tử nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở KCB. Cụ thể, Bảo hiểm xã hội quy định khi người nhà nhận phim chụp, chiếu cận lâm sàng phải có chữ ký của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhận mới đồng ý thanh toán bảo hiểm y tế. Trong khi đó, bệnh án điện tử không thể thực hiện thao tác này.
 
Lãnh đạo các BV kiến nghị, để đáp ứng yêu cầu triển khai bệnh án điện tử, cần phải có sự hỗ trợ về kinh phí cũng như sự thống nhất chung của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về vấn đề trên. 
 
C.Đan