09:03, 04/03/2019

Đẩy mạnh ngăn ngừa bệnh sởi

Với tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp trên cả nước, nhằm ngăn ngừa bệnh bùng phát, tỉnh đã và đang triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên toàn tỉnh.

Với tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp trên cả nước, nhằm ngăn ngừa bệnh bùng phát, tỉnh đã và đang triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên toàn tỉnh.


Đồng loạt triển khai chiến dịch


Cuối tháng 2,  tại Trạm Y tế thị trấn Diên Khánh, nhiều phụ huynh có con từ 1 đến 5 tuổi đưa con đến trạm để tiêm bổ sung vắc xin sởi. Y sĩ Huỳnh Thị Kim Thu - Trưởng trạm Y tế thị trấn cho biết: “Hàng năm, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi từ 9 đến 18 tháng tuổi ở địa phương được tiêm chủng vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đạt hơn 97%. Đối với chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, đến thời điểm này, toàn thị trấn có hơn 1.200 trẻ đã được tiêm, đạt 96%, không ghi nhận trường hợp phản ứng sau tiêm”.

 

Tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ ở huyện Vạn Ninh.

Tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ ở huyện Vạn Ninh.


Với tình hình bệnh sởi, rubella có xu hướng gia tăng, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, từ tháng 2, 19 xã, thị trấn của huyện Diên Khánh đã đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Đến thời điểm này, hơn 8.500 trẻ trong độ tuổi ở huyện đã được tiêm bổ sung.


Tại TP. Cam Ranh, giữa tháng 2, tất cả trẻ em trong độ tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đều được nhân viên các trạm y tế tư vấn, gửi giấy mời thông báo lịch tiêm bổ sung. Sau nửa tháng triển khai chiến dịch, có hơn 8.000 trẻ trong độ tuổi của thành phố được tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella. Tương tự, tại thị xã Ninh Hòa có gần 9.000 trẻ; huyện Khánh Sơn có gần 2.000 trẻ; Vạn Ninh có hơn 4.500 trẻ; TP. Nha Trang có hơn 8.000 trẻ đã được tiêm…


Ông Huỳnh Trọng Tân - Thư ký chương trình tiêm chủng mở rộng tỉnh cho biết: “Từ cuối tháng 1, chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1 - 5 tuổi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai ở các địa phương. Ngoài điểm tiêm tại trạm y tế, ngành Y tế các địa phương còn đến các trường mầm non, nhà trẻ, mẫu giáo thực hiện tiêm cho trẻ. Nhờ thế, đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 40.000 trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi đã được tiêm bổ sung. Qua đợt kiểm tra công tác triển khai chiến dịch ở các địa phương thời gian qua, tại tất cả các điểm tiêm đều thực hiện đúng quy định an toàn trong tiêm chủng. Dự kiến đến hết tháng 3, tổng số trẻ được tiêm gần 90.000 đạt khoảng 95%”.

Số ca mắc thấp

 

Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn thường xuyên cho đội ngũ y, bác sĩ công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, phác đồ điều trị bệnh sởi nói riêng và bệnh truyền nhiễm nói chung... sẵn sàng tiếp nhận và điều trị nếu bệnh sởi bùng phát.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 11 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó có 8 ca ở huyện Vạn Ninh, 2 ca ở TP. Nha Trang, 1 ca ở huyện Khánh Sơn. Hầu hết các ca mắc đều nhẹ, đã được điều trị khỏi và xuất viện. Số mắc tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi (dưới 9 tháng tuổi). Ngay khi ghi nhận ca mắc, ngành Y tế ở các địa phương trên tiến hành lấy mẫu, giám sát ca bệnh tại cộng đồng, tuyên truyền đến từng hộ gia đình xung quanh các biện pháp phòng, chống…


Ông Huỳnh Trọng Tân cho biết: “So với số ca mắc sởi được ghi nhận từ đầu năm đến nay trên cả nước, Khánh Hòa có số ca mắc thấp. Có được kết quả trên là do tỉnh triển khai tốt công tác tiêm chủng mở rộng. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin sởi trong năm đầu đời và tiêm nhắc lại vắc xin sởi - rubella lúc 18 tháng tuổi đạt hơn 95%. Riêng năm 2018, tỷ lệ này đạt 97,49%”.


Theo Bộ Y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân, tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng, nhẹ thì tiêu chảy, viêm tai giữa; nặng hơn là viêm phổi, viêm não. Các biến chứng nghiêm trọng này có tỉ lệ tử vong cao. Bộ Y tế khuyến cáo, bệnh sởi đang nằm trong chu kỳ dịch, vì vậy, dịch bệnh rất dễ bùng phát. Để phòng, chống bệnh sởi, người dân cần chủ động thực hiện tiêm vắc xin - đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất.


Cát Đan