09:02, 28/02/2019

Kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại Diên Khánh

Chiều 28-2, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ở huyện Diên Khánh. Đây là 1 trong 3 địa phương có số ca mắc mới cao nhất toàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

 

Chiều 28-2, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở huyện Diên Khánh. Đây là 1 trong 3 địa phương có số ca mắc mới cao nhất toàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

 

Đồng chí Nguyễn Đắc Tài kiểm tra sốt xuất huyết tại  hộ dân ở xã Diên Lâm.

Ông Nguyễn Đắc Tài kiểm tra sốt xuất huyết tại hộ dân ở xã Diên Lâm.

 

Đoàn đã kiểm tra đột xuất tại 3 trường học, hơn 10 hộ ở xã Diên Lâm và Diên Phước. Qua kiểm tra cho thấy, chiếm hơn 1/2 số hộ và 2 trường học đều phát hiện có lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, chỉ số muỗi cao hơn quy định.


Theo Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, đến ngày 26-2, toàn huyện ghi nhận 322 ca mắc bệnh SXH, 21 ổ dịch. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc tăng gấp 4 lần, số ổ dịch tăng gấp 7 lần. Các địa phương có số ca mắc cao là: thị trấn Diên Khánh, xã Diên An, Diên Lộc, Diên Phú, Diên Lâm và Diên Điền. Ngành Y tế huyện đã thực hiện phun hóa chất diệt muỗi và diệt lăng quăng chủ động tại những thôn, xã có nguy cơ cao. Theo các địa phương ở huyện, hiện nay công tác phòng, chống SXH gặp khó khăn. Nguyên nhân do thời tiết thay đổi thất thường, bộ phận y tế thôn bản mỏng, kinh phí hỗ trợ diệt lăng quăng thấp; người dân còn thờ ơ, chưa tích cực tham gia diệt lăng quăng…


Ông Nguyễn Đắc Tài chỉ đạo ngành Y tế huyện cần thay đổi lịch phun hóa chất, diệt lăng quăng phù hợp với lịch sinh hoạt của người dân; phải xem diệt lăng quăng là cái gốc, không được chủ quan, lơ là. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện, xã phải có kế hoạch phòng, chống dịch SXH cụ thể với mục tiêu cơ bản dập hết các ổ dịch trong tháng 3; phân công địa bàn phụ trách cho từng thành viên trong ban chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra. Ông giao chủ tịch và bí thư các địa phương phải chịu trách nhiệm chính công tác này. Nếu địa phương nào để xảy ra dịch thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu và tự giác phối hợp trong công tác chống dịch; hướng dẫn học sinh tham gia dọn dẹp môi trường, diệt lăng quăng tại trường, ở nhà; ngành Y tế nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh phương thức nâng mức kinh phí hỗ trợ xử lý ổ dịch tại hộ gia đình; hướng dẫn các cấp thực hiện đúng quy trình phun hóa chất…


T.Ly