10:10, 03/10/2018

Đẩy mạnh phòng, chống tác hại thuốc lá trong cộng đồng người Raglai

Năm 2018, Sở Y tế có đề tài nghiên cứu về mối liên quan giữa tình trạng sức khỏe với hành vi hút thuốc lá trên đối tượng phụ nữ Raglai. Kết quả cho thấy, nhóm phụ nữ hút thuốc lá đang đối mặt với nhiều nguy cơ suy giảm sức khỏe do tác hại của việc hút thuốc lá gây ra.

Năm 2018, Sở Y tế có đề tài nghiên cứu về mối liên quan giữa tình trạng sức khỏe với hành vi hút thuốc lá trên đối tượng phụ nữ Raglai. Kết quả cho thấy, nhóm phụ nữ hút thuốc lá đang đối mặt với nhiều nguy cơ suy giảm sức khỏe do tác hại của việc hút thuốc lá gây ra.


Phụ nữ Raglai hút thuốc lá nhiều


Trên địa bàn tỉnh, đồng bào dân tộc Raglai sinh sống tập trung nhiều nhất ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, chiếm khoảng 70% dân số của 2 địa phương. Vì vậy, đề tài nghiên cứu do Tiến sĩ Lê Tấn Phùng - Phó Giám đốc Sở Y tế làm chủ nhiệm đã tiến hành khảo sát hơn 650 phụ nữ Raglai từ 15 đến 49 tuổi của 2 địa phương này. Kết quả cho thấy, có 16,6% phụ nữ Raglai khảo sát đang hút thuốc lá, đây là một tỷ lệ khá cao so với 1,4% của phụ nữ Việt Nam (theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2010).


Bà Cao Thị Nga - thôn Yang Mương, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh cho biết, bà tập hút thuốc lá từ khi còn nhỏ, sau đó thành thói quen. Đến nay 35 tuổi bà vẫn còn hút. Mỗi ngày, bà hút tối thiểu 1 gói thuốc. Điều đáng nói, lúc mang bầu, nuôi con nhỏ bà cũng hút. Mặc dù đã được cán bộ y tế phân tích tác hại và khuyên không nên hút thuốc lá nhưng bà không bỏ được. Dù cuộc sống thiếu thốn, sữa không đủ cho con bú, nhưng mỗi tháng vợ chồng bà phải tốn hơn 500 ngàn đồng cho việc hút thuốc lá. “Hồi nhỏ, tôi không đi học, theo bạn bè hút thuốc lá thành nghiện đến bây giờ. Bác sĩ khuyên nên bỏ nhưng bỏ không được”, bà Nga nói.


Được biết, trước khi hút thuốc lá công nghiệp, người Raglai ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã tự trồng thuốc lá để hút. Cây thuốc lá có trên rẫy, có quanh nhà; hình ảnh các bà, các mẹ ngồi hút thuốc bằng điếu tẩu đã quen thuộc bao đời nay. Ông bà hút, cha mẹ hút, con cái hút, tạo nên một thói quen được cho là bình thường từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không được học hành đến nơi đến chốn, nhận thức hạn chế, nhiều người vẫn cho rằng, thuốc lá không gây hại gì cho sức khỏe. Bà Cao Mà Nia ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh nói: “Tôi hút thuốc lá từ thời con gái, không có thuốc không làm gì được, hút vào thì sáng mặt ra. Thấy mình hút, con cháu sau này hút theo. Thuốc lá mình trồng ở rẫy hiền lắm, thơm ngon không hại gì đâu, ăn được mà”.


Nguy cơ suy giảm sức khỏe


Tỷ lệ phụ nữ Raglai hút thuốc lá cao đã gây ra những tác động xấu đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng sống của họ.


Tiến sĩ Lê Tấn Phùng cho biết, chất Nicotin có trong thuốc lá đi qua nhau thai sẽ tác động trực tiếp đến hệ tuần hoàn, hệ dinh dưỡng của trẻ em. Ngoài nguy cơ ung thư, dị tật bẩm sinh thì tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao. Phụ nữ 15 - 49 tuổi trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá thì ảnh hưởng thai nhi, đó là suy dinh dưỡng bào thai, nguy cơ dị dạng thai nhi, hậu quả sức khỏe không tốt khi trẻ sinh ra lớn lên sau này. Trong nghiên cứu này, bằng phương pháp thống kê cho thấy, những chị em nào hút thuốc lá thì chỉ số thể lực luôn thấp hơn. Phụ nữ không hút thuốc lá có huyết áp ổn định hơn phụ nữ hút thuốc lá. Đặc biệt, những phụ nữ nào hút thuốc lá, chỉ số sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần đều thấp hơn so với phụ nữ không hút thuốc lá.


Kết quả nghiên cứu vào năm 2000 tại Khánh Sơn, 70% phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi có hút thuốc lá. Kết quả nghiên cứu năm 2003 ở cả 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỷ lệ này giảm còn 55%. Sau hơn 14 năm, tỷ lệ này giảm xuống 16,6% như hiện nay. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, so với tỷ lệ chung của phụ nữ hút thuốc lá trên toàn quốc thì tỷ lệ hút thuốc lá của phụ nữ Raglai ở Khánh Hòa vẫn cao gấp chục lần. Mặt khác, 16,6% chỉ là con số điều tra trong nhóm phụ nữ 15 - 49 tuổi. Nhưng thực tế hầu hết phụ nữ Raglai lớn tuổi đều hút thuốc lá. Vì vậy, nếu khảo sát mở rộng trong tất cả phụ nữ Raglai của 2 huyện thì tỷ lệ này có thể sẽ cao hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thể trạng người Raglai thấp, nhẹ hơn nhiều so với người Kinh; tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở 2 địa phương này còn rất cao, hơn 25%.


Tiến sĩ Lê Tấn Phùng cho biết, qua nghiên cứu cũng cho thấy, phụ nữ nào chưa lấy chồng thì không hút thuốc lá, số phụ nữ không đi học hút thuốc lá nhiều hơn số phụ nữ có đi học. Mối liên quan thứ 2 là tỷ lệ phụ nữ theo tôn giáo hút thuốc lá thấp hơn so với phụ nữ không theo tôn giáo. Như vậy, vai trò của giáo dục và tôn giáo có tác động đến hành vi hút thuốc lá của họ.


Trong thực tế, các hoạt động trong chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá còn tuyên truyền chung chung, thường chỉ tập trung ở vùng đồng bằng, đô thị, ít có những hoạt động cho riêng đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề tài kiến nghị, nên có một chương trình hành động phòng, chống tác hại của khói thuốc trong cộng đồng dân tộc Raglai, nhất là đối với phụ nữ Raglai; đẩy mạnh giáo dục, xóa mù chữ, tiến tới phổ cập phổ thông trung học vì trình độ học vấn có tác động ý nghĩa đến hành vi hút thuốc lá; vận động các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín như già làng, trưởng bản, cũng như các tổ chức đoàn thể tại địa phương tham gia vào các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trong cộng đồng người dân tộc Raglai.


Thiết Nga