07:12, 25/12/2017

Quản lý thuốc có nguồn gốc đông dược: Còn gặp khó khăn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lưu hành nhiều loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng các loại thuốc này của các cơ quan chức năng không dễ dàng.
 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lưu hành nhiều loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng các loại thuốc này của các cơ quan chức năng không dễ dàng.
 
Trên thực tế, việc người dân sử dụng thuốc có nguồn gốc đông dược, không qua khám bệnh, kê đơn còn phổ biến. Anh Võ Hồng Phúc (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) bị nổi mẩn đỏ, mụn nhiều ở vùng mặt. Nghe người quen tư vấn dùng thuốc đông y của một nhà thuốc sẽ nhanh khỏi, anh liền mua về dùng. Dùng được một thời gian ngắn, bệnh của anh không hết mà còn nặng thêm, da mặt còn bị bong tróc. “Tôi sợ quá nên không dám dùng nữa, đi khám bác sĩ ngay”, anh Phúc nói.

 

Cấp phát thuốc đông dược cho người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cấp phát thuốc đông dược cho người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 
Ông Trần Phi Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế cho biết, đông dược phần lớn có nguồn gốc từ tự nhiên, thường được bào chế dưới dạng viên nén, đóng vỉ nên có hình dáng như thuốc tân dược hoặc được sơ chế, kê đơn bán theo thang. Đối với thuốc đông dược do các công ty dược sản xuất dưới dạng viên, vỉ thường được kiểm định nghiêm ngặt, cấp giấy phép lưu hành. Việc bảo quản loại thuốc này giống như tân dược, khó hư hỏng. Nhưng khoảng 2 năm gần đây, các loại đông dược này thường được đăng ký kinh doanh dưới hình thức thực phẩm chức năng để lách luật. Với loại thuốc đông dược này, Trung tâm Kiểm nghiệm không có chức năng giám sát, quản lý nên không thể tiến hành kiểm tra chất lượng được.
 
Hiện nay, việc kiểm soát chất lượng thuốc đông dược lưu hành tại các nhà thuốc đông y vẫn còn bất cập, khó thực hiện. Nguyên nhân vì không có mẫu chuẩn để so sánh, đối chiếu khi kiểm nghiệm; nếu muốn có mẫu chuẩn phải đặt mua từ nước ngoài với giá thành rất cao. Mặt khác, thuốc đông y ở dạng sơ chế, bốc theo thang nếu không được bảo quản tốt sẽ dễ bị nấm mốc, lên men, độ nhiễm khuẩn không đạt. Hay những thuốc được điều chế dạng viên hoàn, để thời gian dài, khi thay đổi thời tiết dẫn đến bị chai, mất tác dụng. Nguy hiểm nhất khi người bệnh sử dụng thuốc đông y không đảm bảo chất lượng là tồn dư kim loại trong các cây thảo dược, khi sử dụng trong thời gian dài, cơ thể không đào thải được sẽ để lại hệ quả lớn cho sức khỏe.
 
Bác sĩ Lê Bá Nguyễn - Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, thuốc đông y có thể gây ngộ độc từ từ, làm người bệnh không phát hiện ra tác hại. Khi đã nhiễm độc thì khó khắc phục. Đối với những phương thuốc đông y như: chườm, xoa bóp, nếu không dùng đúng cách, chất lượng thuốc không đảm bảo sẽ xảy ra trường hợp mẩn ngứa, đỏ da, nặng thì phỏng rộp, hoại tử. Với những phương thuốc dùng để uống, nếu cơ thể người bệnh phản ứng nhanh sẽ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài; nguy hiểm hơn là những dị ứng kéo dài, gây ngộ độc, tổn thương chức năng gan, thận... Vì vậy, người bệnh cần có sự tư vấn, hướng dẫn của các thầy thuốc trước khi sử dụng thuốc đông y; cần khám tại các cơ sở đông y uy tín, chất lượng tốt, tránh việc dùng thuốc theo truyền miệng.
 
HẠ PHONG