07:08, 15/08/2017

Không thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trong nội thành Nha Trang

Sáng 15-8, sau khi nghe Sở Y tế báo cáo về việc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương triển khai Dự án "Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam", ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu di chuyển khu vực thả muỗi Wolbachia đến xã Vĩnh Lương, thay vì trong nội thành Nha Trang như dự định ban đầu.

 

Sáng 15-8, sau khi nghe Sở Y tế báo cáo về việc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương triển khai Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam”, ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu di chuyển khu vực thả muỗi Wolbachia đến xã Vĩnh Lương, thay vì trong nội thành Nha Trang như dự định ban đầu.


Sau khi thành công với dự án thả muỗi ở đảo Trí Nguyên, dự kiến từ tháng 3-2017, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ thả lần lượt khoảng 1 triệu đến gần 1,4 triệu con muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại 4 phường nội thành Nha Trang là: Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long. Vi khuẩn Wolbachia được xác định có khả năng ức chế được sự phát triển của vi rút Dengue trong muỗi vằn tự nhiên đang truyền bệnh SXH và Zika.

 

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chưa chấp thuận kế hoạch này vì chứng cứ khoa học để thả thử nghiệm chưa thuyết phục. Trong khi địa bàn dự án đề xuất thả muỗi tại 4 phường nội thành lại có quy mô lớn, dân số đông, sống liên cư liên địa, giao thoa rộng. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng e ngại việc thả muỗi thử nghiệm có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của TP. Nha Trang.

 

Vì thế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục khảo sát bổ sung tại các xã: Vĩnh Lương, Phước Đồng, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh và TP. Cam Ranh để tìm thêm các địa điểm đảm bảo các yêu cầu về mặt khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương. Sau khi khảo sát, viện đã trình bày một số phương án thả muỗi ở diện hẹp trên đất liền. Tuy nhiên, Thường trực UBND tỉnh chỉ chấp thuận phương án thả muỗi tại xã Vĩnh Lương. Việc thả muỗi sẽ bắt đầu sau đỉnh điểm mùa mưa.

 

Cán bộ nghiên cứu đưa tay vào lồng cho muỗi chích để làm thí nghiệm

Cán bộ nghiên cứu đưa tay vào lồng cho muỗi chích để làm thí nghiệm

 

Ông Lê Đức Vinh cho biết, sau khi kết thúc thả muỗi ở đảo Trí Nguyên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương muốn thả tiếp ở đất liền Nha Trang. Đoàn thực hiện dự án đã khảo sát ở các phường: Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường, Phước Long và được UBND tỉnh đồng ý sơ bộ. Tuy nhiên, sau đó, Thường trực UBND tỉnh có nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia. Sau khi họp để nghe báo cáo lại vào tháng 4-2017, Thường trực UBND tỉnh thấy dự án có tồn tại nhiều vấn đề. Dự án của Bộ Y tế nhưng sau khi kết thúc ở đảo Trí Nguyên thì không thấy bộ có văn bản công nhận kết quả. Mãi đến tháng 5-2017, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo của Bộ Y tế mới có văn bản đánh giá hiệu quả. Bên cạnh đó, đề tài lúc đầu triển khai ngoài đảo Trí Nguyên, có điều kiện dân số, khí hậu, phạm vi hoàn toàn khác ở đất liền nên khi triển khai ở Nha Trang cần nghiên cứu kỹ lại.


Kết luận cuộc họp, ông Lê Đức Vinh đồng ý cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương triển khai dự án ở xã Vĩnh Lương. Tuy nhiên, Sở Y tế cần làm báo cáo cụ thể, chi tiết để UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua.


Ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian tới, sở sẽ họp với xã Vĩnh Lương để lấy ý kiến cộng đồng dân cư; trình Bộ Y tế về việc thay đổi địa bàn nghiên cứu; tổ chức hoạt động truyền thông và tham vấn cộng đồng tại xã Vĩnh Lương. Tuy nhiên, theo ông Minh, dự án còn nhiều bước phải thực hiện nên khó có thể triển khai được trong năm 2017.


NHẬT THANH


 



Dự án “Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam” được Trường Đại học Monash (Úc) viện trợ 480.000 đôla Úc để thực hiện. Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm chủ dự án, thực hiện tại đảo Trí Nguyên từ năm 2006 đến nay. Dự án chia làm 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn IV (2017 - 2021) sẽ từng bước mở rộng nghiên cứu ứng dụng và đánh giá hiệu quả của phương pháp Wolbachia trên đất liền.

                                   

______________________________________



Theo lãnh đạo Sở Y tế, cơ quan này đã chủ trì, thực hiện việc khám sức khỏe tổng quát, siêu âm, điện tim, xét nghiệm đường máu, tổng phân tích nước tiểu và lấy mẫu xét nghiệm tình trạng nhiễm vi khuẩn Wolbachia cho người dân trên đảo Trí Nguyên vào 2 thời điểm trước và sau khi thả muỗi để đánh giá tính an toàn xem vi khuẩn Wolbachia có truyền sang người hay không. Kết quả tất cả đều âm tính với Wolbachia nên có thể nói việc thả muỗi khá an toàn cho người.