08:01, 13/01/2014

Ngành Y tế Khánh Hòa: Áp dụng nhiều kỹ thuật mới

Năm 2013, ngành Y tế đã đạt được những kết quả trong công tác khám, chữa bệnh; triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; áp dụng kỹ thuật mới...

Năm 2013, ngành Y tế đã đạt được những kết quả trong công tác khám, chữa bệnh; triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; áp dụng kỹ thuật mới. Tuy nhiên, hoạt động của ngành cũng gặp nhiều khó khăn như: Thiếu bác sĩ, trang thiết bị; cơ sở vật chất các phòng khám đa khoa xuống cấp... 
 
 
Thực hiện được nhiều kỹ thuật phức tạp
 
 
Dưới sự hỗ trợ của Khoa Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), năm 2013, ê-kíp bác sĩ (BS) Khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật nối động mạch chủ bụng bằng mạch máu nhân tạo. Từ khi tiếp nhận và triển khai kỹ thuật này, ê-kíp BS của Bệnh viện đã cứu sống được nhiều ca bị vỡ phình động mạch chủ. Bệnh nhân Tạ Trung Việt (Hà Nội) cho biết: “Tôi đã được chẩn đoán phình động mạch chủ bụng và chậu 10 năm nay. Các BS cho biết, bệnh lý này nếu mổ chủ động, tiên lượng thành công của cuộc mổ là 50%, nếu biến chứng vỡ xảy ra, tử vong gần như là 100%. Chính vì thế, tôi vẫn chưa quyết định mổ, chỉ điều trị bằng thuốc. Khi đi công tác tại Nha Trang (tháng 7-2013), tôi bị biến chứng vỡ túi phình động mạch chủ. Cứ nghĩ là khó sống nổi, nhưng các BS ở đây đã cứu sống tôi…”. 
 

 

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu sau khi được mổ nội soi khớp gối.
Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu sau khi được mổ nội soi khớp gối.

 

 

Năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), Khoa Nhi, Đơn vị Tim mạch can thiệp BVĐK tỉnh đã điều trị thành công 80 ca bị bệnh tim bẩm sinh bằng kỹ thuật thông tim can thiệp, đóng ống động mạch qua da bằng dụng cụ y khoa (hay còn gọi là kỹ thuật bít dù). Đây là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay trong điều trị bệnh tim bẩm sinh cho trẻ. 

 

 

Anh Nguyễn Thanh N. (đường Trần Nguyên Hãn, TP. Nha Trang) kể, 5 tháng trước, trong một lần chơi bóng đá, anh N. bị té đập đầu gối xuống đất và thấy khớp gối đau nhói. Một tuần sau, cơ đùi anh teo lại, khớp gối trở nên yếu và lỏng lẻo. Anh N. nhập BVĐK tỉnh và được chẩn đoán bị đứt dây chằng chéo trước khớp gối. Anh được chỉ định mổ nội soi khớp gối - một trong những kỹ thuật tiên tiến mà các Bệnh viện đang áp dụng để điều trị những tổn thương nói trên. Anh N. cho biết: “Lúc đầu, tôi định vào TP. Hồ Chí Minh để chữa trị vì nghe nói phẫu thuật đứt dây chằng chéo trước rất khó. Nhưng do thấy tốn kém, với lại được biết, BVĐK tỉnh đã phẫu thuật nội soi thành công nhiều ca nên tôi quyết định mổ tại đây. Sau mổ khoảng 1 tuần, tôi xuất viện. Qua 3 tháng tập vật lý trị liệu, tôi đã đi đứng lại bình thường, hết thấy đau nhức ở khớp gối”.
 
 
 
Cùng với việc triển khai thành công các kỹ thuật trên, năm qua, nhiều bệnh viện trong tỉnh cũng đã tiếp nhận và triển khai những kỹ thuật cao, tiên tiến trong điều trị như: Phẫu thuật thay khớp háng cán vặn Spiron, phẫu thuật dị dạng túi phình mạch máu não, chỉnh hình dị tật bẩm sinh về cơ xương khớp và gãy xương ở trẻ, điều trị bệnh lý lỗ tiểu thấp và hẹp khúc nối bể thận…
 
 
 
Sẽ nâng cao năng lực mạng lưới y tế 
 
 
 
Năm 2013, toàn ngành đã thực hiện hơn 3,5 triệu lượt khám bệnh; điều trị nội trú cho gần 204.000 người; thực hiện gần 22.000 ca phẫu thuật; kiểm dịch gần 473.000 lượt người xuất, nhập, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 33.000 công nhân; 24.986 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ liều. Ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra 10.840 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm về vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện có hơn 3.234 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 255 triệu đồng. Toàn ngành không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào…
Bên cạnh triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, ngành Y tế đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như: Phòng, chống bệnh phong, bệnh lao, sốt rét, đái tháo đường, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em…
 
 
 
Năm qua, hoạt động của ngành Y tế cũng gặp nhiều khó khăn. Thiếu và không tuyển được BS là khó khăn mà ngành gặp phải, nhất là ở các bệnh viện tuyến huyện. Hiện nay, tỷ lệ BS trên 1 vạn dân toàn tỉnh chỉ mới đạt 5,1/10.000 (thiếu gần 3 BS theo quy định của Bộ Y tế). BS Hồ Tá Phương - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết: “Quy mô của Bệnh viện là 100 giường bệnh, nhưng hiện nay, số BS ở đây chỉ có 7 người. Tuy nằm ngay ở TP. Nha Trang  nhưng gần 10 năm nay, BV vẫn chưa tuyển được BS nào”. Tương tự, gần 10 năm nay, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần vẫn chưa tuyển được BS. Một số trung tâm y tế ở các huyện, thị xã, thành phố cũng có tình cảnh tương tự. Bên cạnh đó, việc bệnh nhân trốn viện, bỏ viện gây thất thu cho các bệnh viện, sự xuống cấp về cơ sở vật chất ở một số cơ sở y tế, thiếu các trang thiết bị, nhất là ở các phòng khám đa khoa khu vực cũng là một trong những khó khăn mà ngành Y tế đang gặp phải.
 
 
 
BS Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm 2014, nhiệm vụ trọng tâm ngành Y tế đặt ra là giảm tỷ suất mắc và chết các bệnh truyền nhiễm gây dịch; nâng cao năng lực mạng lưới y tế, phát triển mô hình hoạt động BS gia đình, hoàn thiện mạng lưới khám, chữa bệnh; hoàn thành chỉ tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; phát triển y tế chuyên sâu, tiếp tục triển khai đề án bệnh viện vệ tinh tại tỉnh; đảm bảo đủ thuốc và trang thiết bị theo danh mục quy định cho các cơ sở y tế... Ngoài ra, để giải quyết tình trạng thiếu BS, ngành sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo theo địa chỉ, liên thông, sau đại học nhằm nâng cao số lượng và chất lượng BS, dược sĩ về công tác tại tỉnh. 
 
 
 
BÁ NGHĨA