17:18, 28/05/2023

Điều trị hết tăng tiết mồ hôi tay bằng phương pháp đốt hạch giao cảm

Các bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn Nha Trang vừa sử dụng phương pháp mổ nội soi lồng ngực đốt hạch giao cảm để phẫu thuật thành công cho một số  trường hợp tăng tiết mồ hôi hai bàn tay. Đây là một phẫu thuật mang lại hiệu quả cao, an toàn và hồi phục nhanh.

Bệnh nhân N.D.L. (35 tuổi, TP. Cam Ranh) có một công việc ổn định nhưng vẫn thường tự ti vì chứng đổ nhiều mồ hôi ở bàn tay. Đặc biệt, mỗi khi thời tiết nóng bức, hay căng thẳng là mồ hôi tay càng ra nhiều, đôi khi chảy thành giọt phải dùng khăn lau liên tục, do tay luôn ẩm ướt gây nhiều hạn chế trong công việc và sinh hoạt cho bệnh nhân L. Những ngày này, khi thời tiết nắng nóng ngày càng tăng, kéo dài, dẫn tới tình trạng đổ mồ hôi tay của anh L. ngày càng nặng. Qua tìm hiểu, biết tại Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn Nha Trang có thực hiện điều trị bệnh trên, anh L. đến bệnh viện khám. Sau khi được bác sĩ của bệnh viện tư vấn, anh L. quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi cắt đốt hạch giao cảm để điều trị dứt điểm bệnh. Chị P.T.T. (26 tuổi, Nam Định) mắc bệnh tăng tiết mồ hôi 2 tay. Giữa tháng 5, chị T. vào TP. Nha Trang du lịch và thăm người nhà. Được người nhà giới thiệu, chị T. lên Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang khám. Sau khi được bác sĩ của bệnh viện tư vấn về bệnh lý và phương pháp điều trị, ngày  25-5, chị T. quyết định thực hiện phẫu thuật. Kết quả  sau  phẫu  thuật, tình trạng  tăng  tiết mồ hôi tay của  chị T. giảm  hẳn.

Các bác sĩ của Bệnh viện  Đa  khoa  Sài Gòn Nha  Trang đốt  hạch  giao cảm cho bệnh  nhân.

Bác sĩ chuyên khoa II Cao Việt Dũng - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang cho biết, các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật cho người bệnh bằng phương pháp mổ nội soi ngực đốt hạch giao cảm. Phẫu thuật này có tác dụng giảm đa phần mồ hôi tiết ở lòng bàn tay, nách. Đây là phương pháp ít xâm lấn với hiệu quả cao, thời gian thực hiện phẫu thuật chỉ trong 30 phút. Hiện nay, phương pháp trên vẫn là phương pháp điều trị đạt hiệu quả cao cho bệnh lý trên. Ở phương pháp này, bệnh nhân được gây mê, làm xẹp phổi từng bên. Các bác sĩ sẽ rạch 2 vết rạch nhỏ qua da mỗi bên để đưa camera vào lồng ngực, thông qua hình ảnh của camera, các bác sĩ tiến hành cắt và đốt hạch giao cảm ngực, cắt cung phản xạ của hệ thần kinh thực vật. Ưu điểm của phương pháp này là sau phẫu thuật, tỷ lệ điều trị dứt bệnh đạt hiệu quả cao, thời gian nằm viện ngắn (khoảng 24 giờ), mức chi phí hợp lý, tính thẩm mỹ cao, khá an toàn nên được rất nhiều người bệnh tin chọn.

Tình trạng tăng tiết mồ hôi tay, chân tuy không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng nó lại dai dẳng, gây khó chịu trong công việc và sinh hoạt hằng ngày. Bệnh gặp cả người lớn và trẻ em. Biểu hiện là thường xuyên ra mồ hôi tay chân quá nhiều, thậm chí thành giọt, gây khó chịu cho người bệnh, đôi khi khiến họ khó xử và thiếu tự tin trong cuộc sống, nhất là khi phải cầm bút viết hoặc giao tiếp với người khác bệnh sẽ trầm trọng hơn khi có xúc cảm bất ngờ như vào phòng thi, tham gia thi đấu giải, nhận tin vui, buồn đột ngột...

Bác sĩ Dũng chia sẻ, sự tăng tiết mồ hôi là kết quả của sự tăng hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Một phần của hệ thống này điều khiển các hạch tiết mồ hôi, nó định vị trong khoang lồng ngực và chạy dọc theo cột sống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ra mồ hôi tay như bệnh về thần kinh giao cảm, có khối u chèn ép thần kinh, hoặc rối loạn chuyển hóa. Muốn điều trị triệt để, người bệnh phải dùng biện pháp diệt hạch giao cảm. Tuy nhiên, tác dụng phụ của phương pháp này là 40% bệnh nhân sau khi phẫu thuật đốt hạch giao cảm có hiện tượng ra mồ hôi bù trừ ở những nơi khác trên cơ thể như bụng, lưng, ngực… Sau 4 đến 6 tháng, hầu hết các triệu chứng này sẽ ổn định. Mặc dù biết các tác dụng phụ, nhưng người bệnh thường chấp nhận vì phương pháp trên giúp họ giải quyết trong vấn đề giao tiếp và công việc.

Việc áp dụng thành công phương pháp điều trị dứt điểm tăng tiết mồ hôi tay bằng đốt hạch giao cảm tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang đã góp phần đa dạng các phương pháp điều trị tại bệnh viện. Đồng thời, góp phần  nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân trong và ngoài tỉnh.

C.Đan