09:09, 16/09/2020

Người dân ở Hóc Chim (xã Vạn Phú): Mong sớm được bóc tách đất nương rẫy

Khu vực Hóc Chim (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nằm trong lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, có rất nhiều diện tích đất được người dân khai hoang, canh tác ổn định từ hàng chục năm qua.
 

Khu vực Hóc Chim (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nằm trong lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, có rất nhiều diện tích đất được người dân khai hoang, canh tác ổn định từ hàng chục năm qua. Người dân nơi đây mong muốn các cơ quan chức năng, địa phương tiến hành bóc tách những diện tích này ra khỏi lâm phận của đơn vị chủ rừng để họ có cơ sở xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
 
Các hộ làm rẫy tại khu vực Hóc Chim (xã Vạn Phú) đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét bóc tách diện tích đất mà họ khai hoang, canh tác ổn định hàng chục năm ra khỏi lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ông Nguyễn Văn Phú cho biết: “Gia đình tôi có hơn 3,6ha đất trồng điều và các loại cây ăn quả khác ở khu vực Hóc Chim. Diện tích đất này do vợ chồng tôi khai hoang và canh tác từ năm 1990, không hề xâm lấn vào phần diện tích của lâm trường. Mặc dù tôi đã kiến nghị bóc tách diện tích này ra khỏi diện tích Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa quản lý để tôi có cơ sở kê khai, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đến nay, việc bóc tách vẫn chưa được giải quyết”.  

 

Căn nhà của một hộ dân xây dựng tại Hóc Chim từ năm 1993.
Căn nhà của một hộ dân xây dựng tại Hóc Chim từ năm 1993.
 
 
Trong khi đó, gia đình ông Vũ Đình Quyết cũng lên khu vực Hóc Chim mua rẫy lập vườn từ năm 1990. Trên diện tích đất chừng 4ha, gia đình ông đã đầu tư trồng điều, các loại cây ăn quả như xoài, mít. “Diện tích đất này tuy xen lẫn trong lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa nhưng đây là đất tôi mua lại từ một hộ khai hoang, không xâm lấn diện tích đất của ban quản lý rừng. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này”, ông Quyết nói. 
 
Được biết, tại khu vực Hóc Chim có nhiều trường hợp tương tự, thậm chí nhiều gia đình đã xây dựng nhà để ở tại đây từ năm 1993. Tiếp xúc với phóng viên, người dân cho hay, cơn bão số 12 năm 2017 đã tàn phá nặng nề vườn cây của họ, nhưng đến nay họ vẫn chưa thể tái thiết lại vườn bởi thiếu vốn. Như trường hợp gia đình ông Quyết, gia đình bà Mát, để có thể mua giống, thuê thêm nhân công trồng cây ăn quả, mỗi gia đình cần khoảng 150 - 200 triệu đồng nhưng số vốn này nằm ngoài khả năng của họ. Chính vì vậy, các hộ mong muốn cơ quan chức năng xem xét việc bóc tách, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để họ có thể sử dụng thế chấp, vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất.
 
Không riêng gì khu vực Hóc Chim, trong lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa còn có hàng nghìn héc-ta đất của người dân canh tác từ lâu. Cụ thể, tại huyện Vạn Ninh có khoảng 2.000ha đất thuộc địa bàn 6 xã: Xuân Sơn, Vạn Hưng, Vạn Lương, Vạn Phú, Vạn Bình, Vạn Long được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa quản lý, trong đó có khoảng 50% diện tích của hộ gia đình, cá nhân đã canh tác, sử dụng trước khi UBND tỉnh có quyết định giao đất cho đơn vị chủ rừng. Còn tại thị xã Ninh Hòa có khoảng 2.000ha đất nằm trên địa bàn 4 xã: Ninh Sơn, Ninh Thượng, Ninh Tây và Ninh Xuân cũng trong trường hợp tương tự. 
 
Theo ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, liên quan đến kiến nghị của người dân, cuối năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các ban quản lý rừng phòng hộ sử dụng trên địa bàn tỉnh. Trong đề án có hạng mục xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, lập bản đồ địa chính… (trong đó có đất nương rẫy, ruộng, vườn của các hộ gia đình cá nhân đang canh tác trong lâm phần của các ban quản lý rừng phòng hộ). Các cơ quan chức năng của tỉnh đang triển khai thực hiện đề án. Sau khi hoàn thành việc đo đạc, chỉnh lý các loại đất, các ban quản lý rừng phòng hộ sẽ xây dựng phương án sử dụng đất, trong đó có phương án bóc tách đất của các hộ gia đình, cá nhân khai hoang đang canh tác xen lẫn trong lâm phần để trình UBND tỉnh xem xét.
 
HẢI LĂNG