10:06, 10/06/2019

Quản lý rác thải trên đảo: Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, tại các đảo trong tỉnh, rác thải tuy đã được tổ chức thu gom, xử lý song tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xử lý rác từ biển trôi vào. 
 

Hiện nay, tại các đảo trong tỉnh, rác thải tuy đã được tổ chức thu gom, xử lý song tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xử lý rác từ biển trôi vào. 
 
Thu gom rác trên đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh. (Ảnh: Hoàng Dung)
Thu gom rác trên đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh. (Ảnh: Hoàng Dung)
 
Thu gom, xử lý
 
Ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn tại biển, đảo ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt là rác thải nhựa, bao bì, túi ni lông, vỏ chai nhựa, hộp đựng thức ăn... từ các hoạt động kinh doanh, nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Rác thải trôi nổi theo luồng gió tấp vào bờ quanh các đảo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa tổ chức được việc phân loại chất thải tại nguồn; hệ thống thu gom không đồng bộ; không có phương tiện, thiết bị chuyên dùng để phân loại, vận chuyển rác thải đã phân loại; bãi chôn lấp không có quy trình phù hợp phục vụ việc phân tích và xử lý chất thải sau phân loại. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, khối lượng rác thải được thu gom, xử lý tại xã đảo Cam Bình (TP. Cam Ranh) 5,5 tấn/ngày; các đảo thuộc phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang) 7 tấn/ngày; xã đảo Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) 3kg/hộ/ngày đêm. 
Tại phường Vĩnh Nguyên, chính quyền địa phương đã đầu tư, bố trí nhân lực thu gom rác tại các tổ dân phố Vũng Ngán, Bích Đầm, Trí Nguyên gồm 7 công nhân thu gom rác trên các đảo, 5 công nhân vớt rác trên biển, cửa sông, 3 tàu thu gom rác, 115 thùng rác trên đảo và 59 thùng rác trên tàu. Hàng ngày, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang thu gom chất thải trên đảo vận chuyển về đất liền xử lý. Bãi xử lý rác hợp vệ sinh tại Lương Hòa (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) diện tích 45ha chịu trách nhiệm xử lý rác đảo và rác của thành phố. Tại xã đảo Cam Bình, chính quyền hợp đồng với người thu gom rác trên địa bàn xã, rác thải lồng bè tấp vào, vận chuyển bằng xe cơ giới đến nơi tập trung, xử lý bằng lò đốt rác tại đảo Bình Ba hay đốt thủ công tại đảo Bình Hưng. Tại xã đảo Vạn Thạnh, 2 thôn Vĩnh Yên và Đầm Môn có xe thu gom rác của Công ty Cổ phần đô thị Vạn Ninh thực hiện thu gom 1 lần/tuần (10 tấn rác/tháng) vận chuyển rác đến bãi rác huyện xử lý. Còn lại 4 thôn Khải Lương, Ninh Đảo, Ninh Tân và Điệp Sơn, do tách biệt đất liền, từng hộ tự giác đưa rác đến lò đốt thủ công trên từng đảo để xử lý. Đối với rác thải từ lồng bè nuôi trồng thủy sản xung quanh các đảo, hiện nay số rác này không được thu gom, xử lý mà vứt xuống biển, tồn đọng quanh các đảo. Riêng các hoạt động du lịch tại Hòn Ông (Đầm Môn), Hòn Bịp và Hòn Đuốc (Điệp Sơn), các doanh nghiệp tổ chức thu gom và đưa về đất liền xử lý. 
 
Ông Diệp Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã đảo Cam Bình cho biết, trước đây Cam Bình là “điểm nóng” rác thải biển và ven biển, nay nhờ thành lập các đội thu gom rác, lượng rác đã giảm hơn 70%. Rác chủ yếu do gió đông bắc đánh tấp vào từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển. 
 
Cần có chính sách ưu đãi đầu tư xử lý rác
 
Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ “Điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030” và Sở Xây dựng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn đến năm 2030. Dự kiến nhiệm vụ này sẽ được thẩm định và trình tỉnh phê duyệt trong quý III-2019. 
 
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý chất thải rắn như phân công, phân cấp quản lý chất thải rắn trên địa bàn; kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020; các chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn; ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp; lồng ghép các hoạt động hưởng ứng các sự kiện môi trường hàng năm (ngày Môi trường thế giới, ngày Đại dương thế giới, ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam...). Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn trên đảo vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: chưa quy định, phân luồng quản lý chất thải một cách thống nhất; ý thức người dân về bảo vệ môi trường còn hạn chế; chưa phân loại được chất thải tại nguồn, thiếu trang thiết bị, phương tiện thu gom, phân loại; thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư lĩnh vực này; thiếu kinh phí triển khai lập, quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo của tỉnh nên chậm xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về chất thải rắn...
 
Theo ông Bùi Minh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, để việc thu gom xử lý rác thải trên đảo hiệu quả hơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chức năng quản lý chất thải rắn; hướng dẫn phân cấp cho địa phương. Bên cạnh đó, hướng dẫn kỹ thuật thu gom, vận chuyển chuyên đề chất thải rắn trên đảo; tổ chức hội thảo về mô hình quản lý, công nghệ xử lý chất thải rắn; tổ chức thẩm định, đánh giá công nghệ trong lĩnh vực này; thường xuyên phổ biến tuyên truyền tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý chất thải rắn của các địa phương trên đảo. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư quản lý chất thải rắn; cân đối ngân sách hỗ trợ cho các địa phương thực hiện dự án trong lĩnh vực biển, hải đảo...
  
V. LẠC