11:08, 16/08/2017

Khánh Vĩnh: Chuyển biến trong công tác vệ sinh môi trường

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến.

 

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến.


Hơn một tháng trở lại đây, xã Cầu Bà được trang bị thùng rác công cộng tạo điều kiện cho người dân làm quen với việc thu gom rác. Bà Ca Thị Be (thôn Đá Bàn) cho biết, trước đây không có thùng rác, người dân hay vứt rác ra sông, suối gần nhà. Hiện nay có thùng rác, người dân đã có ý thức bỏ rác vào thùng. Tương tự, việc phóng uế trước đây rất bừa bãi, hiện nay đã thay đổi. Gia đình bà Be đã xây dựng được nhà vệ sinh từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

 

Ông Lê Kim Sung - Chủ tịch UBND xã Cầu Bà cho biết, thực hiện tiêu chí về môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, xã đã tăng cường các biện pháp vận động tuyên truyền bằng nhiều kênh thông tin như: phát trên loa đài, họp dân, thông báo tới các hội, đoàn thể… nên công tác này bước đầu có chuyển biến. Xã được cấp gần 20 thùng rác, bố trí tại các tuyến đường chính của 2 thôn, tạo thuận lợi cho người dân bỏ rác, hàng tuần thuê người vận chuyển đưa về bãi rác của xã.


Xã Khánh Thành cũng là địa phương có nhiều chuyển biến trong công tác vệ sinh môi trường. Ông Đặng Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, công tác vệ sinh môi trường tại xã có nhiều thay đổi. Người dân đã có ý thức hơn trước trong việc khai thác keo. Cán bộ kiểm lâm, địa chính xã, trưởng phó thôn phối hợp yêu cầu chủ mua bán, hộ thu hoạch keo dọn dẹp vệ sinh sau khi hoàn tất khai thác, không để vỏ keo vương vãi trên đường. Các gia đình cũng đã có ý thức bảo vệ môi trường, hàng ngày quét dọn nhà, phát dọn cây cối, không vứt rác bừa bãi… Bà Phạm Thị Yên - Phó Trưởng Trạm Y tế xã Khánh Thành cho biết, hầu hết người dân trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng ý thức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đã được nâng lên nhiều so với trước. Đa số hộ dân đã có ý thức ngủ màn, tẩm mùng phòng, chống sốt rét, sốt xuất huyết, sử dụng nước giếng khoan, ăn thức ăn nấu chín… 7 tháng qua, số ca bệnh tiêu chảy trên địa bàn xã giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn vài ca/tháng; không có ca sốt xuất huyết (cùng kỳ có 10 ca); số ca bị đau mắt, tay chân miệng giảm hẳn…

 

Người dân xã Cầu Bà có ý thức bỏ rác vào thùng

Người dân xã Cầu Bà có ý thức bỏ rác vào thùng

 

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh đánh giá, những năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã triển khai nhiều dự án bảo vệ môi trường, truyền thông giáo dục sức khỏe, nước sạch, nên công tác vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, hơn 90% người dân biết ngủ màn, các bệnh liên quan đến môi trường giảm đáng kể. 7 tháng qua, toàn huyện chỉ có 38 ca sốt rét, giảm 10,33% so cùng kỳ năm 2016; sốt xuất huyết 10 ca, giảm 17% so với cùng kỳ; tiêu chảy 948 ca, giảm 8% so với cùng kỳ... Toàn huyện không xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh liên quan đến nguồn nước như: bệnh ngoài da, viêm nhiễm phụ khoa… giảm. Hiện nay, tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh đạt 76%...


Ông Trần Văn Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, trước đây, thói quen sinh hoạt lạc hậu của người dân đã tác động xấu tới môi trường. Tình trạng đại tiện trên đồi, rừng, bờ sông, suối; tập quán chăn nuôi gia súc thả rông đã gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Bên cạnh đó, lượng rác sinh hoạt thải ra ngày càng nhiều nhưng việc thu gom rác chỉ thực hiện tại một số địa phương (thị trấn Khánh Vĩnh, Khánh Bình, Liên Sang, Khánh Trung…); việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo an toàn cũng phát sinh ô nhiễm. Hiện nay, các vấn đề này đã được khắc phục đáng kể.


Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường các giải pháp như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực quản lý và nguồn nhân lực cho công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công tác giám sát quản lý môi trường tại cấp xã; phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường; tăng vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; khắc phục, phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường; tăng cường trồng rừng, bảo vệ rừng, hạn chế tối đa tình trạng khai thác khoáng sản..., qua đó góp phần thúc đẩy công tác vệ sinh môi trường ngày càng hiệu quả.


P.L