01:05, 26/05/2017

Công tác bảo vệ môi trường: Còn nhiều khó khăn

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã có nhiều tác động đến môi trường. Vì thế, lĩnh vực này cần có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa. Đó là nhận định chung của đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa sau đợt giám sát các vấn đề liên quan đến môi trường trên địa bàn tỉnh mới đây.

 

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã có nhiều tác động đến môi trường. Vì thế, lĩnh vực này cần có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa. Đó là nhận định chung của đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa sau đợt giám sát các vấn đề liên quan đến môi trường trên địa bàn tỉnh mới đây.


Sớm hoàn thành quy hoạch rác thải


Mới đây, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã đến kiểm tra, tìm hiểu tại các bãi xử lý rác thải của hầu hết các địa phương. Điểm chung của các bãi rác đó là công nghệ chôn lấp đang nảy sinh không ít vấn đề, nhất là khi hệ thống xử lý nước rỉ rác chưa được đầu tư. Đa số các bãi rác đang có dấu hiệu quá tải hoặc nằm ở địa điểm chưa phù hợp. Công nghệ đốt rác được đầu tư mang tính thử nghiệm ở Cam Lâm nhưng công trình này cũng đang bộc lộ hạn chế khi lượng rác đốt được không đáng kể so với lượng rác dồn về hàng ngày.

 

Trong cuộc họp giữa HĐND tỉnh và UBND tỉnh cùng các địa phương, sở, ngành mới đây, một số ý kiến cho rằng, trước đây, quy hoạch bãi rác còn khá đơn giản, sơ sài, chủ yếu là đưa ra diện tích và đánh dấu tọa độ trên bản đồ. Trong khi đó, các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến bãi rác những năm gần đây thay đổi mạnh mẽ, dẫn đến quy hoạch các bãi xử lý rác thải trước đó không còn phù hợp. Lãnh đạo Sở Xây dựng - đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch các bãi rác thải sinh hoạt cho biết, ngành được phân cấp tham mưu quy hoạch rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các bãi rác đang tiếp nhận khá nhiều loại rác thải khác không thuộc rác sinh hoạt, chẳng hạn như: chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp… Ngoài ra, tại một số bãi rác, không ít hộ dân chuyển đến sinh sống lân cận, rồi sau một quá trình nảy sinh khiếu kiện, bức xúc về môi trường. Vì vậy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan khi xây dựng quy hoạch là bãi rác, cũng cần xây dựng vùng đệm, khoảng cách tối thiểu giữa bãi rác và khu dân cư.


Về vấn đề quy hoạch các bãi rác, hiện nay, chủ yếu các bãi rác trên toàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm, quá ngắn so với đòi hỏi của thực tế; chưa kể lượng rác thải phát sinh vượt quá dự liệu khiến các bãi rác nhanh chóng bị lấp đầy, dẫn đến quá tải. Vì vậy, yêu cầu quá trình quy hoạch bãi rác phải mang tính dài hơi hơn đã được đặt ra. Hiện nay, Sở Xây dựng đang định hướng quy hoạch các bãi rác thải sinh hoạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 
Đoàn giám sát về môi trường HĐND tỉnh kiểm tra thực tế  tại Bãi rác Dốc Đỏ của huyện Cam Lâm

Đoàn giám sát về môi trường HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại Bãi rác Dốc Đỏ của huyện Cam Lâm

 

Di dời cơ sở gây ô nhiễm còn chậm


Vấn đề di dời các cơ sở nhạy cảm với môi trường ra khỏi nội thành, nội thị, khu dân cư đông đúc cũng đang là khó khăn đối với các địa phương. Trong đợt giám sát mới đây, đồng chí Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đặt câu hỏi: “Đối với hoạt động sản xuất nước mắm ở nội thành Nha Trang, cả doanh nghiệp, người dân đều mong muốn chuyển ra ngoài, Nhà nước cũng đã có chủ trương này, nhưng sự việc lại kéo dài hàng chục năm qua và không biết đến bao giờ mới thực hiện được, vì sao?”. Trả lời cho câu hỏi này, lãnh đạo các sở, ngành liên quan “giải trình”: khó khăn nhất hiện nay là tìm được vị trí thích hợp cho lĩnh vực sản xuất này. Các khu, cụm công nghiệp đã đầy, một số nơi còn chỗ nhưng lại không có ngành nghề nước mắm. Ngay cả các khu, cụm công nghiệp đang hình thành để tập trung các hoạt động sản xuất nhạy cảm với môi trường ở khu vực Trảng É, Cam Lâm cũng không mấy mặn mà khi tiếp nhận hoạt động sản xuất đặc trưng này.

 

Theo UBND tỉnh, Kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 đề ra 6 mục tiêu tổng quát, 10 mục tiêu cụ thể và 55 mục tiêu, nhiệm vụ. Tính đến ngày 31-12-2016, có 51/55 nhiệm vụ trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng đã được hoàn thành, tỉnh cũng đã bố trí nguồn chi ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường đảm bảo chiếm từ 3 đến 5% tổng chi ngân sách. Trong 3 năm gần đây, ngân sách nhà nước đã chi cho sự nghiệp môi trường từ 130 đến 140 tỷ đồng/năm.

Tại huyện Cam Lâm, khu giết mổ tập trung cũng đã được đầu tư nhưng chưa thu hút được các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Một trong những nguyên nhân được cho là do quá trình đầu tư chưa đồng bộ, công trình nằm ở thị trấn Cam Đức còn thiếu một số hạng mục và cần trên 10 tỷ đồng nữa mới có thể hoàn thành.


Theo UBND tỉnh, việc tìm kiếm địa điểm di dời các cơ sở nước mắm ra khỏi TP. Nha Trang sẽ hoàn thành trong năm 2017. Ngoài Nha Trang và Cam Lâm, UBND tỉnh cũng đặt lộ trình từ nay đến năm 2020, các địa phương gồm: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh và Diên Khánh phải thực hiện được việc đưa giết mổ gia súc, gia cầm vào khu tập trung.


Theo ông Phan Thông - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, bên cạnh một số mặt đạt được, đợt giám sát của HĐND tỉnh cũng đặt ra không ít vấn đề. Ở lĩnh vực môi trường, đòi hỏi sự giám sát, kiểm tra, xử lý một cách thường xuyên, dứt điểm. Có như vậy mới kịp thời kiểm soát được các vấn đề về môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, tác hại lâu dài đến môi trường, đời sống của người dân. Các vấn đề về bảo vệ môi trường sẽ được HĐND tỉnh đưa vào kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VI tổ chức vào tháng 7 tới.


H.Đ