09:12, 10/12/2020

Để trẻ mầm non được an toàn

Đảm bảo an toàn cho trẻ là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Để trẻ được an toàn mọi lúc, mọi nơi, cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Đảm bảo an toàn cho trẻ là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Để trẻ được an toàn mọi lúc, mọi nơi, cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.


Ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ


Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và cả nước đã xảy ra một số vụ bạo hành trẻ mầm non, chủ yếu ở các cơ sở, nhóm lớp mầm non ngoài công lập. Mới đây nhất là vụ việc chủ một cơ sở mầm non tại TP. Nha Trang không kiểm soát được hành vi đã đánh 2 con của mình và 2 trẻ khác khiến cơ sở này vừa thành lập đã bị đình chỉ hoạt động.

 

 Các bé Trường Mầm non Họa Mi Nha Trang thi vẽ tranh.

Các bé Trường Mầm non Họa Mi Nha Trang thi vẽ tranh.


Theo bà Phạm Thị Châu Anh - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Nha Trang, cán bộ quản lý, giáo viên (GV) mầm non phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Đối tượng mà GV tiếp xúc, chăm sóc hàng ngày là những trẻ còn rất nhỏ, non nớt, khả năng tự phục vụ còn hạn chế, đặc biệt là lứa tuổi nhà trẻ. Cùng một độ tuổi, một lớp nhưng nhận thức, tính cách của mỗi trẻ là khác nhau. Trong khi đó, lớp học đông, thời gian làm việc một ngày của GV mầm non khá dài. Nếu cán bộ quản lý, GV không giải tỏa những áp lực nghề nghiệp, có kỹ năng quản lý cảm xúc của bản thân và những xung đột, mâu thuẫn ở cơ sở giáo dục mầm non thì rất dễ dẫn đến những hành vi bạo hành trẻ.


Hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn TP. Nha Trang cho rằng, việc kiểm soát cảm xúc, hành vi của người cán bộ quản lý, GV là không hề dễ dàng, nhất là trước nhiều áp lực công việc, gia đình, cuộc sống... Trên thực tế, mỗi người có những cách xử sự khác nhau. Theo cô Bùi Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi Nha Trang, để không xảy ra những hành vi bạo hành trẻ, trước hết, hiệu trưởng phải là người gương mẫu, xây dựng mối quan hệ tích cực cho tất cả các thành viên trong nhà trường, xây dựng bộ quy tắc ứng xử phù hợp.


Tăng cường quản lý

 

Toàn tỉnh hiện có 205 trường mầm non với tổng số hơn 62.500 trẻ, trong đó có 162 trường công lập và 43 trường tư thục, 392 nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục. Có tổng cộng 453 cán bộ quản lý và hơn 4.500 GV mầm non trong toàn ngành.

Bên cạnh đó, nguy cơ mất an toàn trong các cơ sở giáo dục mầm non còn đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, ở môi trường bên trong và ngoài lớp học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học như đồ chơi, vật liệu... nếu không phù hợp lứa tuổi, sắc nhọn, các góc chơi được bày biện không hợp lý, dễ gây va chạm... cũng có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Ở ngoài lớp học, các tiêu chuẩn về sân trường, cổng trường, tay vịn, lan can ban công, cầu thang, đồ chơi ngoài trời... cũng có những quy định cụ thể để đảm bảo an toàn, phòng tránh thương tích cho trẻ mầm non.


Ngày 8-12, Sở GD-ĐT có văn bản gửi các phòng GD-ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Sở yêu cầu các phòng GD-ĐT tham mưu cho UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăm sóc và giáo dục trẻ đảm bảo an toàn, hiệu quả tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động các cơ sở không phép, không đủ  điều kiện theo quy định; tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu mở cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thực hiện đúng các quy định của pháp luật.


Sở cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT phối hợp với UBND cấp xã cấp phép cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có đủ các điều kiện để thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở chưa đủ điều kiện phải bổ sung, hoàn thiện về cơ sở vật chất, nguồn lực, hồ sơ pháp lý... để cấp phép hoạt động và đưa vào diện quản lý; thường xuyên kiểm tra các cơ sở đã được cấp phép để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm. Các phòng GD-ĐT cũng cần tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý và GV khối các cơ sở mầm non ngoài công lập trong hè và trong năm học, chỉ đạo hiệu trưởng các trường mầm non trên địa bàn hỗ trợ về công tác quản lý, chuyên môn chăm sóc giáo dục trẻ cho chủ cơ sở và GV.


H.NGÂN