09:11, 23/11/2020

Nha Trang: Nỗ lực xây dựng xã hội học tập

Giai đoạn 2015 - 2020, việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Nha Trang đã đạt những kết quả nhất định, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Tuy vậy, công tác này hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Giai đoạn 2015 - 2020, việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP. Nha Trang đã đạt những kết quả nhất định, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Tuy vậy, công tác này hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.


Được quan tâm hơn


TP. Nha Trang là địa phương được tỉnh chọn thí điểm triển khai thực hiện Quyết định 281 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, trong đó phường Vạn Thạnh làm thí điểm ở cơ sở. 5 năm qua, thành phố đã đạt kết quả bước đầu trong việc xây dựng xã hội học tập. Mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo được xây dựng và phát triển về số lượng và mô hình hoạt động. Chất lượng giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tốt hơn. Năm 2015, thành phố chỉ có 13 xã, phường đạt loại tốt về xây dựng cộng đồng học tập cấp xã; đến năm 2019, đã có 25 xã, phường đạt loại tốt, 2 xã, phường đạt loại khá; năm 2020 dự kiến cả 27 xã, phường đều đạt loại tốt.

 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 2 (TP. Nha Trang) trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 2 (TP. Nha Trang) trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.


Thời gian qua, các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường trên địa bàn TP. Nha Trang đã tích cực, chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, sức khỏe, môi trường… cho nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, có hơn 90.000 lượt người tham dự các lớp bồi dưỡng ở 27 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường. Bên cạnh đó, hoạt động khuyến học, khuyến tài góp phần đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập cũng được quan tâm hơn. 5 năm qua, Hội Khuyến học thành phố đã tặng 485 suất học bổng cho học sinh nghèo cấp tiểu học, THCS và THPT (mỗi suất 1 triệu đồng), hơn 5.000 suất học bổng cho các đối tượng khác (mỗi suất 500.000 đồng). Các trường cũng khen thưởng hàng chục ngàn học sinh giỏi; hỗ trợ sách vở, quần áo, xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó; hỗ trợ mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập cho một số trường khó khăn; khen thưởng các thầy cô có thành tích trong giảng dạy…


Còn một số khó khăn

 

Theo thống kê của Hội Khuyến học TP. Nha Trang, đến nay, 100% người từ 15 đến 60 tuổi trên địa bàn đều biết chữ, không có trường hợp tái mù chữ; 100% cán bộ thành phố được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Các mô hình học tập cũng phát huy hiệu quả. Trong đó, hơn 85% gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập; 85% dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập; 100% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu cộng đồng học tập; 100% cơ quan, đơn vị, trường THCS đạt danh hiệu đơn vị học tập.

Tuy vậy, theo ông Trần Văn Hai - Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Nha Trang, công tác xây dựng xã hội học tập hiện nay vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Nhận thức về tầm quan trọng của học tập suốt đời ở một bộ phận người dân, kể cả một số cán bộ vẫn còn hạn chế, chưa dành sự quan tâm đúng mức và thiếu sự phối hợp đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác xây dựng xã hội học tập được giao cho Hội Khuyến học chủ trì, song hội không đủ kinh phí, nhân lực để hoạt động. Nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm công việc nên chỉ đạo chưa sâu sát, tập trung. Tuy ngân sách thành phố đã dành sự quan tâm tới công tác này nhưng so với yêu cầu còn hạn hẹp. Kinh phí bình quân cấp cho mỗi xã, phường dùng cho việc tổng kết, khen thưởng, in ấn tài liệu phục vụ xây dựng xã hội học tập… 16 triệu đồng/năm. Đối với hầu hết các xã, phường, nhất là xã, phường có số dân đông như: Vạn Thạnh, Phước Tân, Tân Lập, Lộc Thọ, Vĩnh Hòa, Vĩnh Ngọc, Phước Long…, mức kinh phí này còn hạn chế, trong khi nguồn vận động từ xã hội hóa gần như không có.


Ông Trần Văn Hai cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, trong khi chờ Trung ương và tỉnh có chủ trương mới về xây dựng mô hình “công dân học tập”, “thành phố học tập”, trước mắt, Hội Khuyến học TP. Nha Trang tập trung làm tốt công tác tham mưu cho thành phố tiếp tục chỉ đạo xây dựng xã hội học tập trên địa bàn. Hội Khuyến học và ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ tổ chức hội nghị liên ngành để rút kinh nghiệm về tổ chức, đánh giá, xếp loại các mô hình học tập. Hội cũng sẽ tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh ở các xã, phường, trường học, các cơ quan, đơn vị, dòng họ; vận động thành lập ban khuyến học ở các doanh nghiệp, tôn giáo trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời; tích cực vận động đóng góp cho Quỹ khuyến học, khuyến tài để khuyến khích, động viên việc học tập ở mọi đối tượng.


H.Ngân