10:10, 29/10/2020

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục thời kỳ 4.0

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, tổ chức dạy và học ở các trường đã và đang trở thành xu thế tất yếu của giáo dục trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Điều này có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dạy học ở các trường.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý giáo dục, tổ chức dạy và học ở các trường đã và đang trở thành xu thế tất yếu của giáo dục trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Điều này có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dạy học ở các trường.


Triển khai quản lý đồng bộ, thống nhất


Một trong những kết quả về ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục thời gian qua là Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; tích hợp các hệ thống thông tin quản lý hiện có vào cơ sở dữ liệu ngành theo lộ trình của Bộ GD-ĐT. Đồng thời, triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý trong các cơ sở giáo dục; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử, bao gồm sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc. Phần mềm quản lý các kỳ thi của ngành đã phát huy tiện ích, tạo thuận lợi trong công tác nhập dữ liệu đăng ký dự thi, tổ chức coi thi, chấm thi và công bố kết quả thi.

 

Thực hành môn Tin học tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang).

Thực hành môn Tin học tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang).


Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã triển khai thống nhất trong toàn tỉnh phần mềm quản lý trường học vnEdu cho tất cả các trường THCS, cơ sở giáo dục có học sinh cấp THCS; thí điểm phần mềm quản lý trường học cấp tiểu học (VnEdu hoặc SMAS) và Hệ sinh thái MegaKids có nhiều phân hệ phần mềm thông minh cho bậc học mầm non. Sở cũng ban hành Quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử, hỗ trợ giáo viên tính điểm, xếp loại kết quả học tập của học sinh chính xác và giúp các cấp quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cho điểm. Đồng thời, phối hợp với Viettel Khánh Hòa khởi tạo tài khoản phục vụ tập huấn trực tuyến về thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học trong toàn tỉnh.

 
Nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên


Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, nhiều giáo viên đã tận dụng lợi thế, tiện ích của CNTT trong việc khai thác kho bài giảng e-Learning của Bộ GD-ĐT, khai thác hiệu quả các thông tin, tư liệu mới, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giảng dạy, trao đổi các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng bài giảng điện tử nhằm tạo hứng thú cho học sinh. Các trường THPT, THCS và một số trường tiểu học đã khai thác tốt một số phần mềm phục vụ giảng dạy như: Powerpoint, violet, các phần mềm thực hiện thí nghiệm ảo... Trong thời gian học sinh không đến trường do dịch Covid-19, nhiều trường, giáo viên đã linh hoạt tổ chức các bài học trực tuyến qua nhiều kênh khác nhau để ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh.

 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện nay, có hơn 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT có trình độ ứng dụng CNTT cơ bản hoặc tương đương, trong đó cấp học mầm non đạt hơn 85%, tiểu học và THCS hơn 90%, THPT hơn 95%, giáo dục thường xuyên hơn 90%.

Ông Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Cam Ranh cho biết, 100% trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố đã có máy vi tính kết nối Internet, nhiều trường có phòng máy để giảng dạy bộ môn Tin học tự chọn. 100% cán bộ quản lý và hơn 97% giáo viên sử dụng được máy tính, biết ứng dụng CNTT, soạn bài giảng điện tử, sử dụng các công cụ tìm kiếm trên Internet để phục vụ công tác quản lý và dạy học trong nhà trường…


Tuy vậy, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, hiện nay, vẫn còn một số đơn vị, cơ sở giáo dục chưa quan tâm đúng mức đến việc ứng dụng CNTT. Một số giáo viên ứng dụng CNTT còn hạn chế hoặc quá lạm dụng CNTT trong dạy và học, áp dụng còn máy móc, mang tính chiếu lệ... Sở đã chỉ đạo các đơn vị ứng dụng CNTT một cách hợp lý, khoa học, hiệu quả, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên. Trong năm học 2020 - 2021, sở sẽ tăng cường việc bồi dưỡng trực tuyến Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho giáo viên; triển khai giải pháp tuyển sinh trực tuyến đối với các lớp đầu cấp ở những nơi có đủ điều kiện. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng hệ thống e-Office để số hóa quy trình văn thư, lưu trữ; triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến của sở mức độ 3, 4...


H.Ngân