09:06, 25/06/2020

Tăng số lượng cơ sở mầm non ngoài công lập

Thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 11-7-2017 của Thành ủy Nha Trang về Đề án xã hội hóa cơ sở vật chất giáo dục mầm non thành phố Nha Trang giai đoạn 2016 - 2020, số lượng các cơ sở mầm non ngoài công lập tăng lên, góp phần giảm áp lực cho đầu tư từ Nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 11-7-2017 của Thành ủy Nha Trang về Đề án xã hội hóa cơ sở vật chất giáo dục mầm non (MN) TP. Nha Trang giai đoạn 2016 - 2020, số lượng các cơ sở MN ngoài công lập tăng lên, góp phần giảm áp lực cho đầu tư từ Nhà nước.


Giảm tải cho trường công


Qua 3 năm thực hiện đề án, TP. Nha Trang đã duy trì và mở rộng quy mô trường lớp MN, phát triển cả loại hình công lập và ngoài công lập, đáp ứng được yêu cầu phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi. Toàn thành phố tăng thêm 8 trường MN ngoài công lập và 46 nhóm, lớp MN tư thục. Hiện nay, toàn thành phố có 71 trường MN (40 trường công lập, 31 trường ngoài công lập) và 183 nhà, nhóm trẻ tư thục đã được cấp phép. Năm học 2019 - 2020, toàn thành phố có 23.436 trẻ học MN, trong đó, có 13.450 trẻ học tại các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập. Số trẻ học tại các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập tăng thêm 1.160 cháu, đạt tỷ lệ 57,4%.

 

Cô và cháu Trường Mầm non Họa Mi Nha Trang

Cô và cháu Trường Mầm non Họa Mi Nha Trang


Về cơ sở vật chất, trường lớp các trường MN ngoài công lập được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Ngoài các phòng học, các trường còn đầu tư xây dựng các phòng giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất, phòng đa chức năng… được thiết kế đúng tiêu chuẩn, đảm bảo các tiêu chí xanh - sạch - đẹp, an toàn cho trẻ. Còn các nhà, nhóm trẻ đầu tư cơ sở vật chất theo hướng tự phát, phần lớn được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa từ căn nhà có sẵn; không đủ diện tích phòng học, thiếu sân chơi và các phòng chức năng. Tại các cơ sở MN tư thục, 100% trẻ được học 2 buổi/ngày, ăn ở bán trú. Hầu hết các đơn vị đảm bảo quy chế chuyên môn, giữ an toàn cho trẻ khi ở nhóm, lớp và tuân thủ sự quản lý về chuyên môn của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Nha Trang.


Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang, trong điều kiện các trường MN công lập hiện nay không có đủ điều kiện cơ sở vật chất để mở rộng quy mô lớp học, các đơn vị tư thục đã góp phần lớn vào việc giảm tải áp lực tuyển sinh, đặc biệt là các lớp nhà trẻ. Tại thời điểm ban hành đề án, tỷ lệ huy động nhà trẻ là 20,5% và mẫu giáo 90,1%. Sau 3 năm, tỷ lệ này là 44,4% và 90,1%, đạt và vượt chỉ tiêu đề án và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.


Yêu cầu bàn giao quỹ đất cho giáo dục


Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện đề án còn một số hạn chế. Tốc độ thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục còn chậm so với tiềm năng phát triển của xã hội. Việc kêu gọi đầu tư thành lập các trường MN ngoài công lập so với danh mục các công trình đề nghị xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa đạt thấp. Danh mục theo đề án đề ra 10 công trình nhưng đến nay, chỉ mới thực hiện được 2 công trình là Trường MN Họa Mi (Khu đô thị VCN Phước Hải) và Trường MN Canada Mapbear (Khu đô thị VCN Phước Long).


Theo ông Trần Nguyên Lập - Trưởng phòng GD-ĐT TP. Nha Trang, Nghị quyết số 11 ra đời phù hợp với thực tiễn, nhằm thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của lĩnh vực giáo dục; đa dạng hóa các hình thức, các loại hình giáo dục, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục MN; giảm bớt áp lực đầu tư của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ trong bối cảnh các cơ sở MN công lập chưa đủ đáp ứng. Tuy nhiên, quá trình triển khai đề án gặp khó khăn chủ yếu là nhiều quỹ đất giáo dục trong các khu đô thị chưa được nhà đầu tư bàn giao cho UBND tỉnh để bàn giao cho UBND thành phố triển khai thực hiện xã hội hóa xây dựng trường MN. Để tiếp tục triển khai nghị quyết trong thời gian tới tốt hơn, thành phố cần tiếp tục đề xuất UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ đất dành cho giáo dục tại các dự án khu đô thị để kêu gọi xã hội hóa đầu tư các cơ sở giáo dục MN.


NAM DU